Ngày 17/8 , Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghệ và nông lâm Đông Bắc (Bộ NN&PTNT) tổ chức tọa đàm "Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng các tỉnh phía bắc".
Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó có tiêu chí quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Đây là nội dung yêu cầu mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nhằm phát huy vai trò của hệ thống khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở các xã nông thôn mới.
Để hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả nội dung này, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng" (Đề án).
Sau hơn một năm triển khai, các tỉnh tham gia Đề án đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khuyến nông là nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
Ở 13 tỉnh tham gia Đề án, đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm (với 168 thành viên) và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng (với 4.276 thành viên). Đề án đã tổ chức được nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, như: Hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức tập huấn, tư vấn, hội thảo, tọa đàm, truyền thông, xây dựng bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng để sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các tỉnh tham gia Đề án phải xác định hoạt động khuyến nông phải đạt hiệu quả mới thu hút được sự quan tâm của người dân, từ đó mới lan tỏa được mô hình này rộng rãi trên cả nước. Người dân chính là chủ thể phát triển, ở đâu có ruộng, vườn, ao, chuồng thì ở đó có hoạt động khuyến nông, có cán bộ khuyến nông.
Bên cạnh đó, các vấn đề khó khăn của các tổ khuyến nông gặp phải trong quá trình triển khai Đề án thường nằm ở việc xây dựng quy chế khuyến nông cộng đồng chưa thực sự dân chủ, thiếu sự thảo luận và đóng góp của khuyến nông viên cộng đồng, chính quyền địa phương nên đôi khi quy chế này được xây dựng mang tính hành chính.
Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, mặc dù 100% các xã ở Hải Phòng đều hình thành tổ khuyến nông cộng đồng, nhưng thực tế hoạt động của các tổ này còn rất nhiều khó khăn do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, cũng như chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động, mà hầu hết là tự nguyện và lồng ghép.
Bà Ngần Thị Minh Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cũng cho rằng, tuy đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất nông sản, nhưng hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng ở Sơn La cũng còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất; địa điểm hoạt động; cơ chế, chính sách cụ thể và nguồn kinh phí ổn định để hỗ trợ cho lực lượng tham gia...
Cùng chung những ý kiến trên, một số tỉnh phía bắc, như Hà Giang, Lào Cai cũng đưa ra ý kiến trong quá trình triển khai Đề án còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, cán bộ làm công tác khuyến nông phải kiêm nhiều việc nhưng phụ cấp hỗ trợ còn thấp.
Sự phối hợp chỉ đạo sản xuất giữa ngành nông nghiệp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan đôi lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ, nhất là công tác giải quyết khó khăn trong các khâu sản xuất, vì vậy việc triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương của tổ khuyến nông cộng đồng chưa phát huy hiệu quả...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, cần phải xác định rõ vai trò của hoạt động khuyến nông, các dịch vụ công phải bao phủ được hết toàn bộ nông dân, các tỉnh tham gia Đề án cần phải có sự thống nhất trong các quy định chung. Thứ trưởng cũng cho rằng, mô hình hiệu quả ở các địa phương nên được chia sẻ rộng rãi, nếu cần thiết sẽ tổ chức các đoàn, nhóm học tập, triển khai áp dụng sao cho phù hợp với nhu cầu của địa phương mình.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tham mưu Bộ NN&PTNT về việc sử dụng nguồn vốn, kinh phí, tài liệu phục vụ cho hoạt động của khuyến nông cộng đồng ở cơ sở, đồng thời tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đạt chất lượng cao cho lĩnh vực khuyến nông...
Đỗ Hương