Ông Trần Văn KhởiQuyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về Khuyến nông. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh nội dung mới về công tác khuyến nông, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) đã có những chia sẻ về việc đổi mới công tác khuyến nông để đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh của người nông dân hiện nay.
Xin ông cho biết nội dung dự thảo về sửa đổi Nghị định Khuyến nông sẽ tập trung vào những chính sách lớn nào để tăng cường hoạt động này trong thời gian tới?
Ông Trần Văn Khởi: Hiện nay Bộ NN&PTNT đang tiến hành làm dự thảo thay thế Nghị định 02 về Khuyến nông. Nghị định 02 vận hành từ năm 2010, trong quá trình biến đổi thực tế sản xuất thì cần thay đổi một số điểm trong Nghị định, đặc biệt là sẽ thay đổi một số nội dung để phù hợp với tinh thần của Luật Chuyển giao công nghệ mới đây.
Một số chính sách lớn cho khuyến nông sẽ được xem xét như: Chính sách về thông tin thuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và gương điển hình; về đào tạo tập huấn, đối với đội ngũ khuyến nông địa phương, nông dân, chủ trang trại cần được đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất của người dân thì cũng được hỗ trợ 100% chi phí.
Một nội dung lớn nữa là từ các mô hình hiệu quả sẽ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để sản xuất tại địa phương. Hiện nay với chính sách phân theo vùng, ví dụ vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn thì chính sách đề xuất là người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và vật tư (trung du miền núi), còn vùng đồng bằng chỉ hỗ trợ 50% (50% còn lại nông dân đối ứng)…
Tại Dự thảo, Bộ đã đề xuất xã hội hóa hoạt động khuyến nông. Các tổ chức kinh tế, hiệp hội… trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến nông phải đáp ứng những điều kiện gì? Có điểm mới nào đáng chú ý để thu hút xã hội hoá (XHH) trong lĩnh vực này, thưa ông?
Ông Trần Văn Khởi: XHH khuyến nông rất được khuyến khích, hiện cũng có nhiều tổ chức khuyến nông của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội… tham gia hoạt động khuyến nông. Trong dự thảo mới sẽ quy định chặt chẽ hơn là tổ chức phải được thành lập theo quy định của pháp luật, tổ chức đó trước tiên phải có nguyện vọng tham gia hoạt động khuyến nông. Tổ chức phải có điều kiện, nguồn lực tham gia khuyến nông.
Một điều kiện nữa trước đây chưa quan tâm lắm nay được quy định lại là các tổ chức này muốn tổ chức hoạt động khuyến nông phải báo cho đơn vị quản lý nông nghiệp tại địa phương biết là chuyển giao cái gì, mô hình gì... cho nông dân; trong quá trình chuyển giao có thiệt hại do tiến bộ kỹ thuật chưa chắc chắn thì phải đền bù cho người dân.
Nhiều bất cập trong sản xuất nông nghiệp đã được nhận diện, khuyến nông phát triển hàng hoá được đề cập cụ thể ra sao trong dự thảo? Người sản xuất, cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ những gì?
Ông Trần Văn Khởi: Trong dự thảo Nghị định chỉnh sửa lần này phân rõ chính sách về xây dựng mô hình. Thứ nhất là tập trung vào các cây, con chủ lực để tái cơ cấu ở địa phương. Thứ hai về địa bàn thì xây dựng nguyên liệu cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn để xuất khẩu hoặc nông nghiệp phục vụ khu đô thị. Thứ ba là mô hình cho người nghèo, những vùng hay bị thiên tai, người dân yếm thế, nghèo… cần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân nâng cao sinh kế… Những mô hình này sẽ được ưu tiên.
Mô hình sản xuất hàng hóa cũng ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, cây, con chủ lực, sản xuất hàng hóa theo an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa theo thương hiệu sản phẩm tăng sức cạnh tranh…
Vai trò của khuyến nông quan trọng nhưng nhu cầu về tư vấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của người dân bây giờ khác ngày xưa. Hiện nay trình độ sản xuất của dân đã lên nhiều, nông dân không chỉ có nhu cầu tư vấn dịch vụ về việc nuôi trồng thế nào mà nông dân quan tâm rất nhiều vấn đề khác như: Hạch toán kinh tế trong nông hộ, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất. Nâng cao dân trí từ khuyến nông tư cũng như nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông các cấp (với khoảng 30.000 người) cần được trang bị nhiều kiến thức khác nhau. Khuyến nông địa phương cũng phải dành một phần kinh phí tập huấn cho nông dân, nhất là những điển hình sản xuất để nâng cao năng lực và các chủ trang trại để xây dựng mô hình cho người ta, nâng cấp năng lực sản xuất để nông dân khác cũng học tập và làm theo.
Hiện sản xuất nông nghiệp rất nhiều đối tượng, chúng tôi soạn thảo học liệu theo hướng một số cây, con chủ lực, ví dụ trồng trọt chúng tôi đã làm xong tài liệu về sản xuất lúa, cà phê, tiêu. Những giáo trình này được soạn thảo chung cho cả nước. Đây là giáo trình chính để cán bộ trong hệ thống khuyến nông tập huấn cho nông dân, cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó cũng có nhiều tài liệu tham khảo về khuyến nông.
Theo Nghị định, việc cho phép đầu tư nguồn lực chưa nhiều so với nhu cầu nên những định hướng của Nghị định sửa đổi sẽ là tránh dàn trải, tập trung vào các cây, con có tác động lan tỏa lớn đến sản xuất. Thứ hai là phải tập trung nâng cao năng lực đội ngũ khuyến nông các cấp và người nông dân. Thứ ba là khuyến khích XHH khuyến nông vì có nhiều tổ chức khác cũng tham gia vào khuyến nông; nhiều nguồn lực tập trung vào mới có thể chuyển tải được các tiến bộ kỹ thuật đến việc sản xuất của bà con nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hương (thực hiện)