Cựu thanh niên xung phong Lê Văn Sơn - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Ngày ấy, do hoàn cảnh gia đình (cha mất sớm, anh trai vừa nhập ngũ) nên chàng thanh niên 23 tuổi ấy dù rất muốn lên đường tòng quân mà vẫn phải… ở nhà. Nhìn thanh niên trong làng nô nức lên đường góp sức trẻ cho công cuộc kháng chiến trong lòng Lê Văn Sơn bứt rứt không yên.
Một buổi tối năm 1953, khi phân đoàn trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc, thông báo họp và cho biết: “Chỉ thị của Trung ương Đoàn là “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Bây giờ chiến trường đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng, rất cần những thanh niên xung kích ra chiến trường Tây Bắc, đồng chí nào khỏe mạnh thì đi”. Ngay lúc đó, trong lòng tôi đã bừng lên phơi phới. Không thể chờ đợi thêm được nữa, tôi là một trong những thanh niên đầu tiên xung phong hôm ấy, ông Sơn hồ hởi kể.
Tôi có 5 ngày để chuẩn hành trang. Nói hành trang nghe “oai” vậy chứ thực ra chỉ có đôi dép cao su, 2 bộ quần áo, nón lá che mưa cùng 4kg gạo.
Sau 2 ngày đi bộ đến nơi tập kết tại miền Tây Thanh Hóa, nhận đại đội, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là tham gia là gánh gạo phục vụ chiến trường Tây Bắc.
Nhận mệnh lệnh, chúng tôi mỗi người gánh 30kg gạo đi 6 ngày liên tục. Những ngày đầu còn đi vào ban ngày, sau dần phải đi vào ban đêm. Vượt qua rừng núi, gió sương, lúc đầu còn dễ chịu, càng về sau đôi vai càng đau buốt, mỏi mệt. Nhưng nhờ đi trong tiếng hát, với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, thanh niên luôn sẵn sàng, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn thử thách ấy.
Sau khi hoàn thành việc gánh gạo, chúng tôi nhận nhiệm vụ làm đường ròng rã cả tháng trời dưới sự hướng dẫn của công binh. Đó là những con đường nách, rẽ vào Lai Châu. Để làm đường, chúng tôi phải phạt cây cao, đào đất, đổ đất san bằng để xe ô tô có thể đi được.
Khi làm hết chặng đường vào Lai Châu, đại đội của tôi được giao nhiệm vụ đào hầm ở trên đồi. Hầm được đào thành một hình tròn, bên trên có cây cối che mắt được địch. Khi làm hầm vẫn phải đào nách để trú ẩn, để khí tài, súng đạn.
Mình đào thì địch phá, địch phá thì mình lại tiếp tục đào. Chúng tôi chia ca, trung đội này đào thì trung đội kia nghỉ, cứ thế liên tục mà đào. Tất cả diễn ra trong không khí khẩn trương, nghiêm túc vì chỉ cần sơ suất một chút là có thể làm địch phát hiện.
Dốc sức trẻ cho miền Bắc
Ông Lê Văn Sơn bắt tay phi công sau khi thử nghiệm thành công máy bay |
Vì mọi việc đều hết sức bí mật nên chúng tôi không biết các công việc của mình là để phục vụ cho nhiệm vụ gì, chỉ biết thực hiện thật tốt. Một đêm đầu năm 1954, chúng tôi thấy rất nhiều bộ đội kéo pháo đến, bỏ vào những hầm lớn mà mình đã đào, còn hầm nhỏ hơn thì bỏ đạn và làm chỗ nghỉ cho các pháo thủ.
Lần đầu tiên thấy khẩu pháo, lòng tôi rộn ràng đến lạ. Khí thế làm việc của mọi người vì vậy mà rộn rã hơn, trong lòng ai cũng thấy tự hào vì đã góp sức mình cho tiền tuyến.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ấy, đơn vị của ông Sơn lại hỗ trợ lực lượng bộ binh tiến đánh sân bay Mường Thanh. Việc đào hầm tiếp tục được thực hiện vào buổi tối, nhưng lúc này nguy hiểm hơn rất nhiều. Cả lực lượng đều phải bò vào địa điểm cần đào, cầm theo cuốc và xẻng ngắn, vừa nằm vừa đào ngay tại chỗ; đến lúc đào được những hố sâu thì quỳ đào, ngồi đào… và khi che lấp được người thì mới có thể đứng.
Tất cả chúng tôi đều ý thức được có thể hi sinh bất cứ lúc nào nên mỗi TNXP có một túi đựng đồ, trong đó ghi tên tuổi, địa chỉ quê nhà, đơn vị tham gia và cất vào lán trú ẩn trong rừng, sau mỗi đêm làm việc lại trở về lán để nhận. Kể đến đây, ông Sơn ngậm ngùi: Lúc đó sống chết như trở bàn tay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí nào không có mặt để nhận đồ, nhưng cũng không có báo cáo bị thương, chúng tôi đều hi vọng rằng đồng đội của mình vẫn còn sống.
Cái ngày bộ đội ta bắt giữ được Tướng Đờ Cát, niềm hân hoan chiến thắng lan tỏa khắp các khu rừng. Tiếng hô vang: “Quân ta thắng rồi! Địch đầu hàng rồi! Quân ta thắng rồi!” cứ vọng mãi vào tận núi rừng, vang mãi vào lòng của mỗi con người nơi đây.
Khi cuộc chiến tranh chống Pháp đang diễn ra rất ác liệt, cũng như bao thanh niên khác, chàng trai Lê Văn Sơn ao ước được trở thành người lính Cụ Hồ. Và ước mơ đó đã thành hiện thực sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Lê Văn Sơn Sơn (áo đen) đang chỉ huy thử nghiệm máy bay tại Yên Bái |
Ông Sơn nhớ lại: Khi đang cùng đại đội của mình thu dọn chiến trường thì tôi được tuyển vào bộ đội chính quy. Đó là một buổi sáng tháng 8/1954. Đứng trong hàng dự tuyển quân, thấy các đồng đội của mình được gọi tên tôi vô cùng sốt ruột. Đến khi một sĩ quan tiến lại và gọi tôi bước ra khỏi hàng để đứng vào đội ngũ bộ đội chính quy, tôi vỡ òa sung sướng. Vậy là khát khao cháy bỏng trong tôi đã thành sự thật! Tôi đã thành bộ đội chính quy!
Sau khi vào bộ đội, ông tham gia lực lượng tiếp quản Hải Phòng. Khi thực dân Pháp rút vào miền Nam ông được cử đi học 10 năm trong nước và nước ngoài. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, người TNXP năm ấy trở thành giám đốc nhà máy sửa chữa máy bay A39 (tại TP. Yên Bái). Sau ngày giải phóng ông được điều chuyển về làm giám đốc nhà máy A32 tại TP. Đà Nẵng cho đến khi về hưu với cấp hàm Trung tá.
“Chiến dịch Điện Biên Phủ là một kỷ niệm hào hùng không thể nào quên. Ký ức về những năm tháng ấy vẫn sống mãi trong lòng những người lính, trong lòng dân tộc. Những tháng ngày hoa lửa ấy đã trở thành động lực, niềm tin để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, cống hiến trí tuệ, sức lực của mình trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước”, ông Sơn chia sẻ.
Lưu Hương