![]() |
Ảnh minh họa |
Những nhát cắt “nghìn USD”
Điển hình như trường hợp một doanh nghiệp lớn nhập khẩu thép từ các nhà sản xuất uy tín (như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Châu Âu,…), đã từng được cơ quan kiểm định chất lượng xác nhận đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và được phép thông quan. Tuy nhiên, áp dụng Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 của liên Bộ Công Thương-KHCN quy định về quản lý chất lượng thép, mỗi lần nhập khẩu tiếp theo với mặt hàng tương tự và của cùng một nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục kiểm định.
Chưa hết, khi lấy mẫu để kiểm định, cơ quan kiểm định cắt một phần của sản phẩm (như thép tấm, thép hình,…) và sản phẩm khi đã bị cắt trở thành phế phẩm, không còn giá trị sử dụng, trong khi chi phí của một tấm thép khá lớn. Ví dụ một tấm thép carbon bị cắt, doanh nghiệp mất khoảng 5.000-10.000 USD. Hơn nữa, thời gian chờ đợi kiểm định kéo dài tới hơn 2 tuần, làm chậm trễ thông quan và phát sinh chi phí lưu bãi, lưu kho tại cảng.
Doanh nghiệp trên đã kiến nghị các cơ quan cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra chất lượng đối với các loại hàng hóa đã được công nhận trước đó. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có công văn hướng dẫn và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết bởi theo hướng dẫn của Tổng cục này thì doanh nghiệp phải xin phép Bộ Công Thương.
Trên thực tế, cách tiếp cận này của các cơ quan chức năng không phải là cá biệt. Thông tư 27 năm 2012 của Bộ KHCN (quy định về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ này) cũng không miễn, giảm kiểm tra với các mặt hàng đã được kiểm tra nhiều lần hay hàng nhập khẩu từ các nước, nhà sản xuất có tiêu chuẩn kỹ thuật cao…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, theo Thông tư 31 năm 2011 (được sửa đổi bởi Thông tư 55 năm 2014) và Thông tư 44 năm 2012 về chất lượng xe cơ giới nhập khẩu của Bộ GTVT, thì cùng một kiểu loại xe đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, nhưng lần nhập khẩu nào, doanh nghiệp cũng phải làm đầy đủ thủ tục kiểm tra.
Tương tự, trong lĩnh vực y tế, dù trang thiết bị sản xuất tại các nước tiên tiến như G7 đã được kiểm tra chất lượng ngặt nghèo với các tem nhãn chứng nhận nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam vẫn phải kiểm định lại từ đầu.
Vướng mắc phối hợp
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ thị về tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu, thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận. Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước G7… |
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hoá (Bộ KHCN), từ cuối năm 2014, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Bộ KHCN đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Thời gian kiểm tra với nhiều mặt hàng đã rút ngắn thực sự, như mặt hàng xăng và diesel từ khi đánh giá sự phù hợp cho đến khi thông báo kết quả chỉ có hơn một ngày. Tương tự, với mặt hàng điện-điện tử, thời gian kiểm tra trung bình là 1,28 ngày tại Hải Phòng và 1,26 ngày tại TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận thời gian tính từ khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra đến khi có kết quả còn khá lâu, ví dụ tại Hải Phòng là 11 ngày, còn tại TP Hồ Chí Minh lên tới 17 ngày.
Để tiếp tục kéo giảm thời gian kiểm tra, ông Tuấn đề nghị các doanh nghiệp tích cực, chủ động hơn nữa trong việc đánh giá chất lượng các lô hàng ngay tại nước xuất khẩu, lấy chứng chỉ trước khi nhập khẩu để khi về Việt Nam sẽ không phải kiểm tra nữa. Hiện phần lớn các doanh nghiệp vẫn cứ đợi đến khi hàng vào cửa khẩu mới đề nghị đánh giá chất lượng, có thể do chi phí kiểm định ở nước ngoài khá lớn.
Tuy nhiên, rõ ràng là vấn đề chính vẫn nằm ở phía các cơ quan quản lý chuyên ngành. Ngày 9/4 vừa qua, Bộ KHCN đã có công văn số 1073/BKHCN-TĐC đề nghị 14 Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện ký kết hiệp định/thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa. Công văn cũng đề nghị các Bộ, ngành gửi Kế hoạch về Bộ KHCN trước ngày 1/6/2015.
Tuy nhiên, cho đến ngày 19/6/2015, mới chỉ có 4 Bộ, ngành gửi kế hoạch và báo cáo. Còn 10 Bộ, ngành chưa có báo cáo, kế hoạch về việc thực hiện nhiệm vụ này.
“Nhìn chung, các cơ quan quản lý chuyên ngành mặc dù đã kịp thời phản hồi trước những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhưng chưa chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để giải quyết”, Bộ KHĐT đánh giá như vậy trong báo cáo hồi cuối tháng 6/2015 gửi Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 trong lĩnh vực hải quan.
Một vấn đề khác theo ông Trần Quốc Tuấn là cần tăng cường kết nối thông tin giữa các cơ quan. Hiện, cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bản chính kết quả kiểm tra chất lượng, còn nếu cơ quan kiểm tra gửi bản fax thì hải quan không đồng ý. “Nếu bản sao do doanh nghiệp nộp thì có thể là giả mạo, nhưng nếu bản fax do chính cơ quan kiểm tra gửi thì hoàn toàn có thể tin cậy”, ông Tuấn nói tại một cuộc tọa đàm gần đây về vấn đề này.
Hà Chính