In bài viết

Kiểm phiếu bằng tay trưng cầu Brexit

(Chinhphu.vn) - Đúng 22h ngày 23/6 theo giờ Anh (tức 4h sáng 24/6 theo giờ Hà Nội), các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Anh đã đóng cửa, kết thúc cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của quốc gia này tại Liên minh châu Âu (EU).

24/06/2016 10:25
Ảnh minh họa
Dự kiến, kết quả kiếm phiếu cuối cùng sẽ được công bố sau 10h sáng 24/6 theo giờ Hà Nội.

Hãng tin Reuters đưa tin quá trình kiểm phiếu bằng tay được bắt đầu ngay sau khi cuộc trưng cầu ý dân kết thúc. Mỗi điểm trong tổng số 382 điểm kiểm phiếu, đại diện cho toàn bộ 380 khu vực chính quyền địa phương tại Anh, Scotland và Xứ Wales, cùng một địa điểm ở Bắc Ireland và một địa điểm ở Gibraltar, sẽ công bố kết quả riêng rẽ.

Điểm kiểm phiếu tại Gibraltar là điểm đầu tiên công bố tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu, theo đó có tới 83,65% cử tri ở đây tham gia cuộc trưng cầu ý dân vừa kết thúc.

Quá trình công bố kết quả tại từng điểm kiểm phiếu sẽ diễn ra từ 2h-4h ngày 24/6 theo giờ địa phương (từ 8h-10h sáng 24/6 theo giờ Hà Nội). Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ kéo dài tới 13h cùng ngày theo giờ Hà Nội và sau đó kết quả tổng hợp trên toàn quốc mới được công bố tại thành phố Manchester.

Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do YouGov tiến hành cho thấy 52% số người được hỏi ủng hộ nước Anh ở lại EU và 48% muốn rời liên minh này. Các cuộc thăm dò dư luận ngay trong ngày 23/6 trước đó do các tờ báo lớn của Anh như "Thời báo Tài chính Anh" hay Telegraph tiến hành cũng cho kết quả chênh lệch sít sao tương tự với tỉ lệ ủng hộ Anh ở lại EU nhỉnh hơn 2%.

Cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 là cuộc trưng cầu ý dân thứ hai trong lịch sử nước Anh về mối quan hệ với EU. Cuộc trưng cầu đầu tiên diễn ra vào năm 1975 với kết quả khoảng 67% cử tri ủng hộ Anh ở lại EU (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than Thép châu Âu).

Khó trở lại như xưa

Cho đến sáng nay, trong khi các kết quả thăm dò ý kiến cuối cùng công bố hôm qua cho thấy tỉ lệ hai bên ngang ngửa nhau, thì các nhật báo lớn tại London, trong nỗ lực cuối cùng, nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử của cuộc trưng cầu dân ý. The Sun, ủng hộ phe Brexit, chạy tít: "Hôm nay là ngày độc lập". Ủng hộ xu hướng ở lại với EU, The Times mượn lời kinh thánh: "Hôm nay là ngày phán xét cuối cùng".

Vì vận mệnh của cả châu lục và thế giới, giới lãnh đạo các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và cả Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi Anh Quốc đừng tách ra.

Nếu Brexit chiến thắng, người ta lo ngại khối EU rạn nứt. Ngoài hệ quả trước mắt như thị trường tài chính rối loạn, đồng bảng Anh mất giá, Brexit còn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Scotland, vì quyền lợi sống còn, thực hiện dự án trưng cầu dân ý và dân tộc tự quyết để độc lập và gia nhập EU, thì nước Anh ra sao?

Một hệ quả nữa là cho dù không tỏ ra "thù hằn" phe Brexit, nhưng chắc chắn là EU sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn với London trong các cuộc đàm phán tương lai.

Nhưng trong trường hợp phe chống Brexit chiến thắng, nước Anh ở lại, thì quan hệ hai bờ eo biển Manche cũng sẽ khó có thể như xưa.

Để thuyết phục dân Anh bỏ phiếu chống Brexit, Thủ tướng Anh David Cameron hứa sẽ thi hành ngay biện pháp giảm trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu, đa số là Đông Âu, để chặn làn sóng di dân. Nếu
Brussels nhượng bộ London thì một số nước thành viên như Ba Lan, Hungary có lý do để sử dụng lá bài Brexit gây áp lực đòi đặc quyền.

Ở mức độ châu lục, xu hướng co cụm cũng lên cao. Ngày 17/6 vừa qua, hai đảng cực hữu Pháp và Áo, đã tổ chức chung một ngày mít tinh với thông điệp bài ngoại và chống châu Âu kịch liệt. Nói cách khác, cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, tình hình ở nước Anh và Liên minh châu Âu sẽ không như trước.

Tác động toàn cầu

Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Nước này suy thoái sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, đây cũng sẽ là cú sốc với châu Âu - nơi đang chật vật với thực trạng kinh tế mong manh, tỉ lệ thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán khó lòng chỉ gói gọn ở châu Âu. Chứng khoán Mỹ có thể chịu tác động vì tăng trưởng toàn cầu đi xuống, đồng USD đi lên và sự gián đoạn trong hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại châu lục này. Nhiều công ty Mỹ đặt trụ sở châu Âu của họ ở Anh sẽ bị buộc phải chuyển nhân sự và hoạt động đến nơi khác, bảo đảm duy trì sự dễ dàng trong việc tiếp cận với thị trường.

Cuối cùng, Brexit có thể kích hoạt bất ổn chính trị ở Anh và châu Âu. Thủ tướng Cameron có thể từ chức, Scotland có thể yêu cầu cuộc bỏ phiếu thứ hai về việc tách khỏi Anh và quan điểm không ủng hộ EU có thể gia tăng ở các nước khác.

Lam An (tổng hợp)