Ngày 11/5, Báo Xây dựng đã tổ chức Tọa đàm: "Kiểm soát nguồn vốn cho BĐS - Chính sách và tác động".
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sự phát triển của thị trường BĐS đang góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản có định hướng cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị, du lịch.
"Có thể thấy, thị trường BĐS có những đóng góp hết sức quan trọng trong nền kinh tế, liên quan mật thiết đến các ngành nghề kinh tế lớn như du lịch, tài chính, xây dựng... có sức lan tỏa đến trên 30 ngành nghề", lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, thị trường BĐS liên quan mật thiết và có ảnh hưởng qua lại đến các thị trường vốn như thị trường tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, thu hồi vốn đầu tư nước ngoài…Sự phát triển của thị trường vốn sẽ góp phần phát triển thị trường BĐS. Thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh sẽ đảm bảo sự ổn định, an toàn cho thị trường vốn.
Do đó, việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS là giải pháp vô cùng quan trọng trong số những giải pháp giúp thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng là giải pháp thúc đẩy, tăng cường nguồn cung cho thị trường và giảm giá BĐS.
Đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS cho biết, Chính phủ giao Bộ xây dựng rà soát và đánh giá tác động của tín dụng với thị trường BĐS.
Trước mắt, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án trong đó có quỹ đất 20% về nhà ở xã hội để tạo nguồn cung cho thị trường. Bộ sẽ tổng hợp kiến nghị giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Đề cập về tín dụng đối với thị trường BĐS, lãnh đạo Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS cho rằng "các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý cần được khuyến khích ưu tiên cho vay để tạo nguồn cung mới cho thị trường".
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nguồn vốn đối với thị trường BĐS tính đến hết quý I/2022 tăng khoảng 2,4% so với đầu năm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế, Trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 65%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 35% .
TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị các cơ quan quản lý cần có cách tiếp cận sao cho phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính.
"Kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn và cần quan tâm rủi ro hệ thống tài chính cũng như chú trọng điều tiết cung–cầu BĐS" ông Lực nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng cần sớm giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc liên quan đến lĩnh vực BĐS thời gian vừa qua.
Cụ thể, hoàn thiện thể chế theo hướng sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán phù hợp.
Đồng thời, rà soát Luật chứng khoán, nhất là điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp và những quy định cần thiết có xếp hạng tín nhiệm. Quy định phân nhóm các phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp.
Về giải pháp đối với doanh nghiệp BĐS, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài tín dụng, doanh nghiệp BĐS cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, quỹ đầu tư tín thác BĐS (REIT), trái phiếu công trình, thuê tài chính.
"Doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán và thực hiện các cam kết. Cần huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể", Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh.
Toàn Thắng