Tại Hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2012-2023 và ký quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước (KTNN) với Thường trực HĐND và UBND 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, tổ chức ngày 27/4, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định: Sau nhiều năm thực hiện, quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh đã đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổng KTNN đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc yêu cầu và giao nhiệm vụ kiểm toán cho KTNN khu vực XII thực hiện kiểm toán các đề án, chương trình, dự án quan trọng của địa phương. Việc này phục vụ cho HĐND tỉnh trong việc giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ cho HĐND tỉnh trong thực thi nhiệm vụ và quyền hạn.
Người đứng đầu KTNN cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ KTNN trong việc giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và kiểm toán viên trên địa bàn và phản ánh kịp thời để KTNN có thể xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có). Điều này giúp bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, Tổng KTNN cũng yêu cầu KTNN khu vực tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ KTV để có thể đáp ứng những yêu cầu khi được địa phương đề nghị tham gia các vấn đề về dự toán, quyết toán và tham gia các văn bản liên quan đến tài chính ngân sách, tham gia các đoàn giám sát ngân sách tại địa phương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về KTNN, chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN, nhất là Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/2/2023 - cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của KTNN Khu vực XII trong thời gian tới.
Đặc biệt, người đứng đầu KTNN cho biết, KTNN sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (nhất là công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư mua sắm công nghệ thông tin...), cũng như những sai sót được phát hiện qua kiểm toán để các tỉnh tham khảo.
Cùng với các quy chế phối hợp công tác với HĐND, UBND đã được ký kết và thực hiện nghiêm túc tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới, KTNN đã thể hiện một thông điệp nhất quán, luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương với mục tiêu "Vì một nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững", nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công, qua đó góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND Tỉnh Kon Tum cho biết: Thông qua các hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán chuyên đề của KTNN đã giúp tỉnh Kon Tum kịp thời rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các đơn vị, địa phương theo đúng quy định, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước.
Còn ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai quy chế phối hợp công tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.
KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh, từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lắp và triển khai thực hiện công tác kiểm toán theo quy định; tư vấn cho địa phương cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách tại địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kỳ vọng, KTNN và 4 tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai quy chế phối hợp công tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Việc thực hiện quy chế thể hiện trách nhiệm, tạo tiếng nói chung để thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính và để pháp luật được thực thi nghiêm minh.
Tỉnh Gia Lai cũng đề nghị KTNN xem xét việc báo cáo kiểm toán có tư vấn thêm cho địa phương các cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.
Tại 3 hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp của KTNN với 15 địa phương diễn ra gần nhất, lãnh đạo các tỉnh đều khẳng định, ghi nhận những đóng góp của hoạt động kiểm toán đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn lực công của địa phương.
Thông qua việc thực hiện chặt chẽ, bài bản, hiệu quả các nội dung của quy chế phối hợp, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước.
Anh Minh