In bài viết

Kiểm toán ký quy chế phối hợp với TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An

(Chinhphu.vn) - Chiều 11/1, Hội nghị ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM và các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Long An đã diễn ra tại trụ sở KTNN khu vực IV tại TPHCM.

11/01/2024 19:15
Kiểm toán ký quy chế phối hợp với TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An- Ảnh 1.

Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) với Thường trực HĐND, UBND - Ảnh: VGP

Theo báo cáo tại Hội nghị, những năm qua, KTNN và Thường trực HĐND, UBND TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An đã tăng cường phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên.

Đáng lưu ý, từ năm 2022, KTNN khu vực IV đã kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương hằng năm kịp thời để HĐND có căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn và góp phần giúp HĐND các tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

Những thông tin chia sẻ, trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước.

Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố cho các hoạt động của KTNN khu vực IV đã góp phần giúp KTNN hoàn thành kế hoạch kiểm toán hằng năm được Quốc hội giao, đảm bảo ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã điểm lại một số kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Theo đó, năm 2023, KTNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán. Nhiều cuộc kiểm toán, nhiều chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao như kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm toán các chương trình, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 18/12/2023 đối với 173 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp 133 văn bản.

Đặc biệt, năm 2023, chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 được nâng lên rõ rệt, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao

KTNN đôn đốc quyết liệt, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Lần đầu tiên, KTNN giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán từ năm 2021 trở về trước, qua đó xác định rõ nguyên nhân chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đồng thời rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới.

Năm qua, KTNN đã tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội. Báo cáo của KTNN là báo cáo đầu vào cho các báo cáo giám sát của Quốc hội.

"Để có được những thành tựu đó, bên cạnh vai trò quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như Lãnh đạo và kiểm toán viên của KTNN qua các thời kỳ, còn phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành; HĐND, UBND và các cơ quan ban ngành của các địa phương, trong đó có TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An" – Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh công tác phối hợp giữa KTNN và 4 tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện tốt kế hoạch kiểm toán.

Đặc biệt, các địa phương cần giám sát chặt chẽ hoạt động của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước trên địa bàn, Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

KTNN và 4 tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là hướng dẫn xử lý các kết luận, kiện nghị kiểm toán còn tồn đọng; việc hoàn thiện chức năng giám sát của cơ quan dân cử và nâng cao kiến thức tài chính công, tài sản công.

Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo KTNN và đại diện Lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đã ký Quy chế phối hợp công tác.

Theo đó, KTNN và TPHCM cùng các tỉnh: Bình Dương, Long An, Tây Ninh sẽ tiếp tục phối hợp trong: Xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước; giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố; phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực về kinh tế.

Anh Minh