Đây là một nội dung trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020.
Theo yêu cầu cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đã được nhấn mạnh và nêu cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 19 (2015 và 2016) và trong hầu hết các báo cáo quý, báo cáo chuyên đề. Tuy vậy, kết quả thực hiện còn rất hạn chế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các quy định, thủ tục liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành chưa chuyển biến đáng kể (trừ quy định về hồ sơ kiểm dịch thực vật đã đơn giản hơn trước khá nhiều, giảm khoảng 2/3). Nghị quyết 19 yêu cầu 10 bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhưng mới chỉ có rất ít bộ (gồm Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải) chủ động triển khai thực hiện; các bộ còn lại về cơ bản chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Một số quy định về quản lý chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết; chưa giải quyết được vấn đề, gây khó khăn cho DN.
Ví dụ, Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định “Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển”. Bộ Công Thương đã mở rộng danh mục quá phạm vi quy định của Luật bởi sản phẩm dệt may không có trong danh sách kể trên.
Về tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cao, trung bình chiếm 30% tổng số lô hàng. Tỷ lệ này còn cao hơn ở các cửa khẩu lớn (ví dụ tại Hải quan TPHCM là 35%, Bình Định 31%…) và không giảm so với năm trước. Số lượng lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trên thực tế là rất lớn.
Theo khảo sát, thời gian kiểm tra chuyên ngành cơ bản chưa được cải thiện. Kết quả đo thời gian thông quan tại một số hải quan cửa khẩu cho thấy, thời gian kiểm tra chuyên ngành vẫn kéo dài. Ví dụ, tại Hải quan Cần Thơ là 13,6 ngày; Đà Nẵng 19 ngày; Bình Định 18 ngày. Một số mặt hàng kiểm tra chất lượng có thời gian kiểm tra dài hơn nhiều như thiết bị y tế 40 ngày; kiểm tra hiệu suất năng lượng 43 ngày; kiểm tra chất lượng xe cứu hoả, cứu thương 79 ngày.
Chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng không giảm so với năm trước; chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn. Ví dụ, một DN nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng, chưa kể chi phí vận chuyển. Có DN sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi phí khoảng 6 tỷ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thuỷ sản.
Tình trạng chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, vẫn còn khá phổ biến khi một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư) trong cùng lĩnh vực hoặc thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, với các cách quản lý khác nhau. Thậm chí, có mặt hàng chịu sự quản lý khác nhau của các đơn vị trong cùng một Bộ. Thực trạng này hầu như chưa có sự cải thiện.
Ví dụ, tuy cùng thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nhưng các Thông tư 52/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư 28/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương lại có các hướng dẫn khác nhau, gây khó khăn cho người thực hiện. Danh mục hàng hóa kèm mã HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế chưa được ban hành đầy đủ, gây khó khăn cho DN và cơ quan hải quan. Theo phản ánh của nhiều DN, thủ tục công bố hợp quy tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) rất phức tạp, không minh bạch, thời gian kéo dài, thường phải tốn chi phí không chính thức.
Việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là tiền kiểm, thực hiện trước khi thông quan; kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra theo lô hàng (chưa áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN), dẫn tới kéo dài thời gian, tốn kém nhiều chi phí, gây bức xúc cho DN. Ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành rất hạn chế, hầu hết các bộ vẫn áp dụng hình thức thủ công, giấy tờ trong tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra.
Đáng chú ý là Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động, đến nay đã có 10 bộ tham gia thực hiện kết nối 31 trên khoảng 100 thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng đa số là các thủ tục không phổ biến, vì thế hiệu quả cải cách thấp. Trong số các thủ tục đã tham gia kết nối, thủ tục đăng kiểm được đánh giá là có hiệu quả nhất. Điểm đáng khích lệ là việc Bộ Tài chính đã chủ trì triển khai được 9 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung. Hiệu quả bước đầu đã giúp giảm thời gian, nhất là trong trường hợp cửa khẩu xa trụ sở chính của tổ chức kiểm định (ví dụ như hàng nhập khẩu qua cảng Hải Phòng, thời gian giảm được 2-3 ngày; qua Lạng Sơn giảm được 1-2 ngày), do giảm được thời gian di chuyển từ cửa khẩu tới trụ sở chính của tổ chức kiểm định và ngược lại.
Tuy nhiên, số lượng các tổ chức kiểm định tham gia địa điểm kiểm tra tập trung chưa nhiều (chỉ từ 4-6 đơn vị); lượng hàng hoá làm thủ tục qua địa điểm này còn ít; các thủ tục thực hiện chủ yếu là đăng ký kiểm tra, lấy mẫu, trả kết quả kiểm tra, kiểm tra hồ sơ. Ngay cả trong trường hợp kiểm tra hồ sơ thì cán bộ tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung cũng không có thẩm quyền ban hành kết quả kiểm tra mà phải chuyển thông tin hồ sơ về trụ sở chính của tổ chức kiểm tra để phê duyệt. Một số địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung không phát huy được hiệu quả do địa điểm đặt không hợp lý (nơi cửa khẩu ít lưu lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành hoặc không thuận tiện đi lại cho DN).
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết có một số bất cập khác trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành thu thập được trong các cuộc khảo sát thực tế về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 như số lượng các tổ chức đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận) được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định hạn chế, dẫn tới tình trạng độc quyền, quá tải cho các tổ chức này, và do vậy ảnh hưởng tới thời gian, phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng; có những yêu cầu về quản lý chuyên ngành chỉ mang tính hình thức hoặc không thể thực hiện được...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo gánh nặng cho DN, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Đa số các DN cho rằng thủ tục, thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành không thuận lợi hơn cho DN so với trước. Có khá nhiều vướng mắc của DN đã được phát hiện, phản ánh trong thời gian dài.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để xử lý các vướng mắc này. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiên quyết thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15%, xác định rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo, giảm tiền kiểm, tăng sự cạnh tranh các đơn vị kiểm tra…
Tuy nhiên, một số bộ, ngành có liên quan vẫn chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, gây bức xúc, giảm niềm tin và sự kỳ vọng vào những thay đổi cải cách từ chính các bộ, ngành. Do vậy ảnh hưởng không tốt tới tính hiệu lực, hiệu quả của các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Anh Minh