In bài viết

Kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

27/10/2023 09:05
Kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới - Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới

Đề xuất trên được Bộ Giao thông vận tải đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo dự thảo, Sở Giao thông vận tải thành lập đoàn kiểm tra, trong đoàn phải có tối thiểu một thành viên đã hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gồm các nội dung sau:

Kiểm tra, đánh giá mặt bằng đơn vị, xưởng kiểm định, thiết bị thông tin lưu trữ số liệu và trang thiết bị khác: Rà soát, đối chiếu thông tin mặt bằng của đơn vị đăng kiểm, xưởng kiểm định, thiết bị lưu trữ thông tin và trang thiết bị khác so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm và ghi vào biên bản.

Kiểm tra, đánh giá thiết bị, dụng cụ kiểm tra: Kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm tra; việc thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị theo quy định pháp luật về đo lường và ghi vào biên bản.

Kiểm tra về cơ cấu tổ chức, nhân lực

Theo dự thảo, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra tài liệu thể hiện cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP (sơ đồ tổ chức, quyết định thành lập do lãnh đạo đơn vị đăng kiểm hoặc lãnh đạo tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm hoặc do cơ quan quản lý đơn vị đăng kiểm ban hành theo thẩm quyền).

Đồng thời, đối chiếu thông tin của Lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong danh sách trích ngang (theo mẫu) so với hồ sơ lưu tại đơn vị.

Dự thảo nêu rõ, quy trình kiểm định của đơn vị đăng kiểm phải thể hiện đầy đủ quá trình thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Kiểm tra hoạt động của dây chuyền kiểm định, theo dự thảo, cần sử dụng phương tiện phù hợp với từng loại dây chuyền để kiểm tra, đánh giá sự hoạt động của dây chuyền, việc sử dụng các phần mềm, việc kết nối dữ liệu với phần mềm quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam; hoạt động của hệ thống giám sát quá trình kiểm định. Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào biên bản theo mẫu.

Bên cạnh đó, đoàn cũng sẽ kiểm tra việc mở các sổ theo dõi, quản lý theo quy định.

Dự thảo nêu rõ, kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 30/2023/NĐ-CP trên cơ sở tổng hợp kết quả từ các biên bản kiểm tra, đánh giá do thành viên trong đoàn đã lập.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn