In bài viết

Kiên Giang: 'Điểm sáng' về đo lường mức độ hài lòng của người dân

(Chinhphu.vn) - Kết quả chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh Kiên Giang đạt 81,10%, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021. Điều này nói lên sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và những nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của tỉnh Kiên Giang.

05/07/2023 09:09
Kiên Giang: 'Điểm sáng' trong đo lường mức độ hài lòng của người dân - Ảnh 1.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố Phú Quốc - Ảnh: VGP

Lắng nghe dân để phục vụ tốt hơn

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông cho biết căn cứ Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 là "Tiếp tục xậy dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tin gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 12-01-2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước của Chính phủ 5 năm giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 23/02/2022 về thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, việc đo lường sự hài lòng của người dân tập trung vào các bước lắng nghe, đánh giá mức độ hài lòng, mức độ mong đợi của người dân trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện những chính sách công ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung dựa trên trải nghiệm của người dân. Theo đó, có 8 nhóm chính sách được lựa chọn, bao gồm: Phát triển kinh tế, khám - chữa bệnh, giáo dục phổ thông, trật tự - an toàn xã hội, giao thông đường bộ, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt và an sinh xã hội.

Nhờ đó, chỉ số "mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước" (SIPAS) năm 2022 của tỉnh đạt 81,10%, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021.

Các chỉ số thành phần của chỉ số SIPAS của Kiên Giang cũng được cải thiện đáng kể so với năm 2021, làm tiền đề và động lực quan trọng để các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nỗ lực cho những năm tiếp theo.

Cụ thể, mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, đạt 79,13%, đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố (cao nhất 86,89%, trung vị 79,07%, thấp nhất 72%); đứng thứ 5/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cao nhất 85,04%, trung vị 79,35%, thấp nhất 73,67%).

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công, đạt 83,07%, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố (cao nhất 88,3%, trung vị 80,56%, thấp nhất 73,07%); đứng thứ 4/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cao nhất 86,31%, trung vị 81,95%, thấp nhất 77,58%).

6 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Về một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tỉnh Kiên Giang xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới.

Theo đó, trước hết, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao chất lượng cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân (như: Giáo dục phổ thông, điện, nước sinh hoạt, an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội…) bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức trực tiếp và trực tuyến (đây là mong muốn của người dân, chiếm tỉ lệ trên 60%). Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc tham gia và tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số SIPAS năm 2023.

Thứ hai, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt" (như việc để người dân, tổ chức phải đưa tiền ngoài quy định khi giải quyết công việc).

Thứ ba, các ngành và địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đi đôi với tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hạn chế thấp nhất hồ sơ TTHC trễ hạn thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết, đồng thời kịp thời xử lý, giải quyết và công khai các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về TTHC; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; tiếp tục đổi mới phong cách lề lối làm việc, nâng lên năng lực trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, vì sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Thứ tư, bố trí nguồn lực phù hợp và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất (trụ sở làm việc, phương tiện và các trang thiết bị) phục vụ cho việc nộp hồ sơ TTHC trực tuyến và thanh toán trực tuyến của người dân, tổ chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp.

Thứ năm, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh thông tin, phổ biến kết quả SIPAS năm 2022 đến nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát và phản hồi ý kiến về việc cung ứng dịch vụ công, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, tổ chức của cán bộ, công chức các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Thứ sáu, Bưu điện tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, tổ chức biết và tham gia các dịch vụ bưu chính công ích, nhất là việc thực hiện TTHC trực tuyến và thanh toán trực tuyến; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên bưu điện để nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ và hỗ trợ người dân, tổ chức trong việc thực hiện các TTHC.

Lê Sơn