Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Thông, Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang cho biết: Tỉnh luôn xác định rõ, CCHC là một trong những nội dung quan trọng, mang tính đột phá để hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Với nhận thức và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2023, Kiên Giang có 3 chỉ số thành phần tăng hạng: công tác chỉ đạo, điều hành (tăng 4 bậc); cải cách tài chính công (tăng 39 bậc); xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (tăng 16 bậc).
UBND tỉnh đã ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC; đã hoàn thành xong việc kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 tại 29 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính thực hiện văn hóa công vụ, công sở và chuyển đổi vị trí công tác năm 2023 tại 14, cơ quan, đơn vị, địa phương; các cơ quan, đơn vị và địa phương đã hoàn thành 37/37 nhiệm vụ, đạt 100% so với kế hoạch
Những biến chuyển tích cực của các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính của tỉnh Kiên Giang trong 03 năm gần đây:
Chỉ số | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | |||
Điểm/% | Xếp hạng | Điểm/% | Xếp hạng | Điểm/% | Xếp hạng | |
Par Index | 79,97 điểm | 63/63 | 84,31 điểm | 41/63, tăng 22 bậc | 86,28 điểm | 40/63, tăng 01 bậc |
SIPAS | 83,88% | 58/63 | 81,10% | 24/63, tăng 34 bậc | 84,39% | 17/63, tăng 7 bậc |
Trong đó, tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hơn 119 TTHC, giảm từ 3-5 ngày so với quy định. Quy trình giải quyết được thường xuyên được cập nhật; 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã ban hành quy trình giải quyết nội bộ, quy trình điện tử; hoàn thành công bố TTHC toàn trình và một phần; đang tiếp tục rà soát, làm sạch dữ liệu TTHC. Hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao (ví dụ: các TTHC thuộc lĩnh vực: Thi đua - Khen thưởng, Ngoại vụ, Văn hóa, Tài chính…).
Giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh đúng hạn năm sau cao hơn năm trước. Tỉnh đã tiếp nhận 71 phản ánh, kiến nghị, đã giải quyết 51 phản ánh, kiến nghị, đang giải quyết 12 phản ánh, kiến nghị còn trong hạn, trễ hạn 08 phản ánh, kiến nghị.
Đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính nhà nước: Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kiên Giang tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã; hiện đang cung cấp 1.558 dịch vụ công trực tuyến (trong đó đã cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện toàn trình); kết nối thanh toán trực tuyến với 05 ngân hàng: Vietinbank, SHB, Bidv, Vietcombank, VPbank và các hệ thống thanh toán trực tuyến, ví điện tử như: VNPT Pay, MoMo, Viettel Pay...
Triển khai Văn phòng điện tử 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối internet; thực hiện gửi, nhận và xử lý văn bản, ký số trên môi trường mạng liên thông 3 cấp, kết nối với trục liên thông của Chính phủ.
Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh chóng từ tỉnh đến cấp xã trên môi trường mạng. Tăng cường công tác tuyên truyền và phân công công chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ, nhất là hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (ở 3 cấp); qua dịch vụ bưu chính công ích và khi thanh toán trực tuyến.
Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC ở 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) và ở các ngành, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải là Trưởng ban chỉ đạo; thực hiện tốt việc giao ban Ban Chỉ đạo CCHC để qua đó kịp thời đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC của tỉnh và của từng ngành, địa phương. Phối hợp Bộ Nội vụ triển khai các lớp tập huấn CCHC cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra CCHC, gắn với trách nhiệm công vụ, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; nhất là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt, quyết tâm trong rà soát cắt giảm các quy định, TTHC có liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp và những thông tin đã được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các nhiệm vụ theo Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC. Có 186/186 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay cho bảo hiểm y tế để thực hiện tra cứu; thực hiện liên thông khai sinh, khai tử,... (hơn 2.000 trường hợp khai sinh và 209 khai tử được cấp trực tuyến).
Qua triển khai thực hiện quyết liệt công tác CCHC, đã giúp từng ngành lĩnh vực không chỉ hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, mà còn có sự tăng tốc và bức phá, nhờ đó kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển.
Lê Sơn