![]() |
Ảnh minh họa |
Tại buổi đối thoại với Cục Hải quan TPHCM vừa diễn ra, nhiều doanh nghiệp góp ý rằng Chính phủ không nên quy định diện tích kho, bãi tối thiểu cho kho ngoại quan chuyên dùng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan vì tính chất mùa vụ của một số ngành hàng.
Công ty TNHH Lotte Logistics Việt Nam cho biết, việc mở rộng kho vào mùa cao điểm và thu hẹp vào mùa thấp điểm là nhu cầu có thực. Việc quy định diện tích tối thiểu của kho ngoại quan là 1.000 m2 là một trở ngại lớn với doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan và khách hàng.
Hơn nữa, kho đông lạnh ngoại quan là kho chuyên dùng; công suất được tính bằng m3 chứ không phải m2. Bản thân kho của công ty này có diện tích là gần 272 m2 nhưng có sức chứa tới 500 tấn thủy sản nguyên liệu nhập khẩu.
Nếu kho ngoại quan có diện tích tối thiểu 5.000 m2, trong đó khu vực chứa hàng phải từ 1.000 m2 thì sức chứa tương đương 2.000 tấn nguyên liệu thủy hải sản. Thế nhưng kho ngoại quan đông lạnh chưa bao giờ có hàng chứa đạt con số 1.000 tấn kể từ khi kho đông lạnh đầu tiên đi vào hoạt động ở Bình Dương từ năm 2003 đến nay.
Doanh nghiệp đề xuất, Chính phủ không nên quy định bắt buộc như đã ban hành ở Nghị định 08 mà nên áp dụng quy định cũ là Nghị định 154/2005/NĐ-CP (không quy định diện tích).
Nơi thừa, nơi thiếu
Trên thực tế, không phải đến lúc này, doanh nghiệp mới gặp vướng mắc với quy định về diện tích tối thiểu của kho ngoại quan chuyên dùng và kho thông thường. Ở các tỉnh, quỹ đất còn lớn thì việc đáp ứng quy định từ 1.000 đến 5.000 m2 dễ dàng nhưng với TPHCM thì đây lại là yêu cầu khó.
Cục Hải quan TPHCM đang quản lý 19 DN kinh doanh kho ngoại quan, trong đó nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về diện tích. Một số DN đưa ra lý do vì mặt bằng diện tích sử dụng chật hẹp, không thể mở rộng thêm.
Theo Cục Hải quan TPHCM, khả năng khai thác hàng hóa gửi kho ngoại quan của các DN trong thời gian qua hạn chế do vướng các quy định như không được đưa hàng tiêu dùng từ kho ngoại quan vào nội địa nên phần lớn các kho ngoại quan tại TPHCM đều không sử dụng, khai thác hết công suất.
Trong khi đó, tại Bình Dương, một trong hai địa phương có số lượng kho ngoại quan lớn nhất các tỉnh phía Nam, theo đánh giá của Cục Hải quan, hầu hết kho ngoại quan trên địa bàn đều hoạt động hết công suất thiết kế. Nhiều DN kinh doanh kho ngoại quan tại đây đang xin được mở rộng thêm vì nhu cầu thuê kho ngoại quan rất lớn. Ví dụ, Công ty CP giao nhận vận tải U&I muốn mở kho tại Thị xã Tân Uyên- Bình Dương trên diện tích trên 35.000 m2. Hiện Công ty này đang có 118.000 m2 kho.
Sẽ chỉnh sửa nếu bất hợp lý
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TPHCM cho biết đã nhận được những phản ánh của doanh nghiệp và đã có báo cáo Tổng cục Hải quan.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có văn bản cho phép các kho ngoại quan chưa đáp ứng quy định về diện tích tối thiểu, tạm thời vẫn được hoạt động.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, đối với trường hợp kho ngoại quan chưa đáp ứng quy định về diện tích tối thiểu, DN không được lưu giữ các loại hàng hóa XK, NK có mức thuế suất từ 10% trở lên; không thực hiện thủ tục thu hẹp diện tích kho ngoại quan.
Các cục Hải quan tăng mức độ đánh giá rủi ro đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan. Đồng thời, thông báo tới các chủ kho ngoại quan có lộ trình phụ hợp mở rộng diện tích đáp ứng quy định (lộ trình tối đa 3 năm).
Đại diện Cục Hải quan cho biết, sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến và sẽ sớm trình lên Bộ và Chính phủ để có thể sớm chỉnh sửa những chính sách còn bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Thành Đạt