Theo phản ánh của Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ngọc Tùng, Thông tư 12/2017/TT-BKHCN quy định không cho người bán hàng, đơn vị sản xuất hàng hoá được quyền lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm lần 2 khi nghi ngờ quá trình lấy mẫu không đúng quy định, hoặc quá trình bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu có sai sót dẫn đến kết quả không chính xác, đang gây khó cho doanh nghiệp cũng như dễ làm phát sinh tiêu cực.
Theo phản ánh của Công ty, trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 trong đó có quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Điểm d, Khoản 2, Điều 9 như sau: “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản với cơ quan kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí thử nghiệm mẫu này do người bán hàng chi trả”.
Tuy nhiên, ngày 28/9/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Theo đó, Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN không cho người bán hàng và cả đơn vị sản xuất hàng hóa được quyền lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm lần 2 ngay cả khi có cơ sở nghi ngờ quá trình lấy mẫu sản phẩm không đúng theo quy định Tiêu chuẩn Việt Nam cũng như quá trình bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu có sai sót dẫn đến kết quả phân tích chất lượng không chính xác.
Trên thực tế quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại doanh nghiệp, khi các cơ quan thanh/kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng, thường có các sai số trong quá trình lấy mẫu phân tích do các nguyên nhân sau:
1. Quá trình lấy mẫu sản phẩm không tuân thủ theo đúng quy định của TCVN đã ban hành quy định cụ thể với cách thức lấy mẫu hàng hóa đó, mẫu lấy không đại diện cho toàn bộ lô hàng hóa được lấy, người lấy mẫu không có chứng chỉ lấy mẫu theo quy định.
2. Mẫu hàng hóa phân tích chất lượng sau khi được lấy không được bảo quản đúng theo quy định, dẫn đến kết quả phân tích chất lượng sai sót so với chất lượng thực của lô hàng hóa được lấy.
3. Trong quá trình vận chuyển mẫu không tuân thủ đúng quy định theo khuyến cáo của nhà sản xuất cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả phân tích hàm lượng không khách quan.
4. Ngoài ra, đơn vị phân tích chất lượng sản phẩm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót trong quá trình phân tích chất lượng sản phẩm, nguyên nhân do cán bộ phân tích mẫu không thực hiện đúng quy trình cũng như do nguyên nhân từ máy móc, thiết bị không được hiệu chuẩn, có sai sót.
Để khắc phục và hạn chế những nguyên nhân trên, Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định doanh nghiệp, người bán hàng được quyền đề nghị lấy mẫu phân tích lần 2 để tạo tính khách quan, chính xác.
Tuy nhiên, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 12/2017/TT-BKHCN lại bỏ quy định về việc phân tích mẫu lần 2 là bất hợp lý và không khách quan trong quá trình thi hành, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và ngược lại dễ làm phát sinh tiêu cực đối với hoạt động thanh/kiểm tra.
Ngày 6/7/2018, Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ngọc Tùng đã có công văn gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư Pháp phản ánh về vấn đề trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ngọc Tùng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét ý kiến của doanh nghiệp, thực hiện sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BKHCN theo hướng cho doanh nghiệp được phân tích mẫu chất lượng sản phẩm lần 2 để tạo tính khách quan, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.
Tiếp nhận kiến nghị nêu trên của doanh nghiệp, ngày 7/8/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7489/VPCP-ĐMDN chuyển kiến nghị đến Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền.