Các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay được cho là không hợp lý. Ảnh minh họa |
Cho rằng việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục nói trên là rất cần thiết, VCCI bày tỏ hoàn toàn ủng hộ với các ngành nghề được đề xuất bỏ khỏi Danh mục.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng phần lớn các ngành nghề được kiến nghị bổ sung vào Danh mục lại chưa giải trình các mục tiêu chính sách như yêu cầu tại Luật Đầu tư, do đó chưa đủ căn cứ thuyết phục để bổ sung.
VCCI nhắc tới các ngành nghề như kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô…
Cùng với đó, VCCI cũng cho biết, có ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ ra khỏi danh mục một số ngành nghề. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn đề xuất giữ lại.
Cụ thể, VCCI cho rằng sẽ không phù hợp nếu giữ lại các ngành: kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ in; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; kinh doanh dịch vụ quảng cáo; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy…
Đáng chú ý, VCCI đề nghị bỏ “kinh doanh xuất khẩu gạo” ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Lý do, gạo được xem là loại hàng hóa liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy các chính sách quản lý đặc thù liên quan gạo có thể là cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo.
Cụ thể, việc cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, các yêu cầu về dự trữ lưu thông… đã được quy định khá rõ trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp.
Trong khi đó, các điều kiện kinh doanh hiện nay của hoạt động xuất khẩu gạo chủ yếu liên quan đến quy mô của doanh nghiệp, như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
"Thật khó lý giải tại sao để xuất khẩu gạo thì thương nhân phải có những điều kiện về cơ sở vật chất với quy mô tối thiểu? Và quy mô của doanh nghiệp thì giúp gì cho việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực?”, VCCI bình luận.
Hơn nữa, VCCI cho rằng với vị trí Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, khả năng thiếu gạo tiêu thụ trong nước làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực có lẽ là không thực sự lớn.
Theo VCCI, Luật Đầu tư 2014 đã quy định khá rõ về các mục tiêu khi xác định một ngành, nghề là có điều kiện đầu tư hay không, đó là nhằm bảo vệ các trật tự công (an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, sức khỏe cộng đồng …). Trong khi đó, một số ngành, nghề được đề nghị giữ lại, bổ sung vào Danh mục lại xuất phát từ lý do là đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác.
“Đây dường như chưa phải là lý do phù hợp để quyết định giữ/ bổ sung vào Danh mục, mà lý do cốt lõi vẫn phải giải trình là: các ngành nghề kinh doanh này có gây ra ảnh hưởng tới các trật tự công ở mức Nhà nước cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện hay không?”, VCCI đưa quan điểm.
Trong thời gian, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quyết liệt trong việc chỉ đạo các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng đã chỉ đạo cần đối thoại, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phản biện, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia; kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, loại bỏ các giấy phép con; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Thanh Hằng