Nhân dịp Năm mới 2023, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng).
Thưa Đại tá, trong thời quan qua, lực lượng phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chặt đứt nhiều đường dây tội phạm ma túy tìm cách tuồn "cái chết trắng" qua biên giới. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Đại tá có thể chia sẻ rõ hơn về tình hình tội phạm ma túy?
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Trong những năm gần đây, nhất là năm 2022, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam Bộ. Các đối tượng tội phạm trong đường dây được tuyển chọn kỹ càng, phù hợp với từng vị trí, từ khâu thu gom, vận chuyển, tàng trữ, cất giấu đến việc tiêu thụ ma túy.
Bên cạnh đó, tội phạm ma túy còn tìm mọi cách móc nối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, người nước ngoài, Việt kiều, khách du lịch... để thu nhận vào đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới. Chính những khoản lợi nhuận "kếch xù" từ hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy đã làm cho những kẻ tội phạm liều lĩnh và manh động hơn.
Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, bọn chúng phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng tên, từ khâu dò đường đến vận chuyển ma túy, nếu thấy có động, chúng lập tức báo ngay cho đồng bọn để kịp thời phi tang, tẩu thoát.
Theo kế hoạch đã được các đối tượng cầm đầu vạch ra, khi "hàng" lọt qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam, nếu bị truy bắt thì phải nổ súng chống trả đến cùng, bởi chúng thừa hiểu rằng, với số lượng lớn ma túy lớn như vậy, nếu bị bắt sẽ không thoát khỏi hình phạt nặng nhất.
Có thể kể đến một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm như: Lợi dụng địa hình phức tạp, hiểm trở, sử dụng các toán nhóm có vũ khí để vận chuyển ma túy qua biên giới; lợi dụng đặc thù trong quan hệ dân tộc, dòng họ để thiết lập đường dây khép kín trong gia đình, dòng họ vận chuyển ma túy; thanh toán chủ yếu qua tài khoản ngân hàng dưới hình thức giao dịch thương mại, dân sự; cất giấu ma túy trong các hàng hóa đặc biệt (tượng gỗ, đá xuất khẩu, hoa quả…) để vận chuyển ma túy qua biên giới.
Ngoài ra, tội phạm còn ký gửi "hàng" trên các phương tiện vận tải, xe liên tuyến, thuê shiper nhận "hàng", vận chuyển lòng vòng qua nhiều địa điểm; vận chuyển có mã vận đơn, đối tượng có thể tra cứu được lịch trình của kiện hàng, trên cơ sở đó phát biện sự bất thường và có biện pháp đối phó với cơ quan chức năng.
Như vậy, có thể thấy thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh. Trước tình hình đó, BĐBP đã triển khai công tác đấu tranh và đạt được kết quả như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Trước hết, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác PCMT&TP, Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các đơn vị BĐBP đã triển khai rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả, bóc gỡ hàng loạt đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy số lượng lớn. Quá trình tổ chức đánh án được tiến hành bài bản, đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị, phương tiện.
Chúng tôi quán triệt phương châm "không đánh khúc giữa" mà phải triệt phá, bóc gỡ toàn bộ tổ chức, đường dây tội phạm ma túy, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tập trung ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đã được chú trọng. Phối hợp giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy tại các tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm; phối hợp với lực lượng chức năng trong nước (Công an, Hải quan, Cảnh sát biển) và các nước láng giềng (Tổng cục Cảnh sát Lào, Tổng cục An ninh quốc gia Capuchia…) với phương châm phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới.
Năm 2022, các đơn vị BĐBP đã xác lập và đấu tranh thành công 109 chuyên án; chủ trì, phối hợp bắt giữ 7.575 vụ, 18.290 đối tượng; thu giữ 1,031 tấn ma túy các loại; 07 súng quân dụng, 17 súng tự tạo và nhiều tang vật khác; phá nhổ gần 19.000 cây có chứa chất ma túy.
Điển hình như: Chuyên án A722/Cục PCMT&TP bắt 01 đối tượng, thu 72 bánh heroin; chuyên án A3-722/Đoàn 3 - Cục PCMT&TP bắt 3 đối tượng, thu 30 kg ma túy tổng hợp, 1 súng quân dụng, 24 viên đạn; chuyên án ĐB1221.2p/BĐBP tỉnh Điện Biên bắt 3 đối tượng, thu 72 bánh heroin; chuyên án SL322p/BĐBP tỉnh Sơn La bắt 2 đối tượng, thu 4 bánh heroin và 12.000 viên ma túy tổng hợp; trong tháng 8-9/2022, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh bắt 3 vụ, 5 đối tượng, thu 14 kg ma túy tổng hợp dạng đá và 7.500 viên ma túy tổng hợp...
Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, dự báo tội phạm ma túy sẽ tăng cường hoạt động, vậy lực lượng Biên phòng có giải pháp gì để ngăn chặn, thưa Đại tá?
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Cục PCMT&TP đã chủ động tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó tập trung chủ yếu chống tội phạm ma tuý và buôn lậu nhằm tăng cường lực lượng, phương tiện, chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả phát hiện, bắt giữ, xử lý tội phạm, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia, kiên quyết không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, để tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm, Cục PCMT&TP tham mưu chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về phối hợp thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết nguyên đán; triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm của Bộ Tư lệnh BĐBP.
Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình; khai thác, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu hiệu quả, đúng quy định. Chủ động, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm tập trung trên các tuyến, địa bàn, vùng biển trọng điểm về ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa; mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.... Kiên quyết ngăn chặn không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Đồng thời tích cực phối hợp với lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả đợt cao điểm; làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm; không tham gia hoặc tiếp tay cho tội phạm.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, không để xảy ra hành vi tiêu cực, bảo kê, tiếp tay, làm ngơ cho tội phạm; kiên quyết phát hiện, xử lý tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc, kỷ luật quân đội, pháp luật. Trong thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, phương tiện.
Đại tá vừa nhắc đến công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân. Đại tá có thể chia sẻ thêm về vai trò của đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm của BĐBP?
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Như chúng ta đã biết, khi nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ chúng ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Đồng bào các dân tộc trên biên giới có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm của BĐBP.
Thực tế cho thấy, quần chúng nhân dân ngoài khả năng phòng chống tội phạm còn phát hiện, quản lý, giáo dục các đối tượng phạm tội, bởi những đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội đều sinh sống, cư trú trong cộng đồng xã hội, trong khu dân cư. Khi người dân có ý thức tự giác, có tinh thần chủ động trong việc xây dựng phong trào toàn dân phòng chống tội phạm thì sẽ khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của đồng bào các dân tộc trên biên giới trong công tác phòng chống tội phạm, quán triệt chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP về phương châm "ba bám, bốn cùng", lực lượng PCMT&TP (BĐBP) đã biết phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân khu vực biên giới, nhất là vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, dân tộc tham gia cùng với BĐBP trong PCMT&TP.
Trong năm 2022, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP hàng chục nghìn nguồn tin có giá trị, phát hiện, tố giác các hoạt động phạm tội, như sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và tổ chức sử dụng ma túy, giúp BĐBP bắt giữ 297 vụ, 416 đối tượng phạm tội; triệt phá 2.350m2 cây thuốc phiện; giao nộp 450 vũ khí tự tạo…, góp phần quan trọng cùng BĐBP giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Vậy để phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc tham gia tố giác tội phạm, chung tay với BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới nói chung, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng, BĐBP đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Để phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia tố giác tội phạm, cùng BĐBP bảo vệ biên giới và phòng chống tội phạm ma túy, những năm qua Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phát huy sức mạnh của nhân dân ở khu vực biên giới chung tay cùng BĐBP đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Trong đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác, không để người dân bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động phạm tội, đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Phát động phong trào và hướng dẫn nhân dân triển khai các mô hình như "Tổ tự quản an ninh trật tự", "Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm", "Tiếng kẻng vùng biên", "Tiếng loa Biên phòng"... nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong phòng chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, kịp thời ghi nhận, động viên, khen thưởng đối với các cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong tham gia phòng chống tội phạm ma túy. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ an toàn, răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, các ngành, các lực lượng và toàn dân xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Qua đó, đã phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân tham gia cùng BĐBP xây dựng vững chắc phòng tuyến nhân dân, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên các tuyến biên giới.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!
Hoàng Giang (thực hiện)