Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nghị quyết ghi nhận vai trò quan trọng của các công trình thủy điện trong bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Các hồ thủy điện lớn đa mục tiêu đã góp phần cắt, giảm lũ, điều tiết lưu lượng, cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường. Việc xây dựng các khu, điểm tái định cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực công trình thủy điện bước đầu tạo ổn định đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng chỉ ra chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng, nhất là ở các công trình thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Nhiệm vụ đánh giá môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ chưa được chú trọng đúng mức.
Tại một số công trình thủy điện, việc quản lý chất lượng xây dựng, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực. Đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân, đồng thời, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch.
Trong năm 2014 sẽ tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước, có kế hoạch bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn, hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; quy định cụ thể trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du.
* Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Các nội dung được đại biểu tập trung cho ý kiến bao gồm việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả hoạt động giao thông đường thủy nội địa diễn ra ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa; các quy định liên quan đến điều kiện hành nghề trong vận tải đường thủy nội địa; quy định mới về hành lang bảo vệ luồng, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; phạm vi trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Nguyên Linh