In bài viết

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, nhưng tình trạng lén lút xả thải, gây ô nhiễm môi trường trong cộng đồng vẫn tiếp diễn. Điều đáng nói là trong số này có không ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý môi trường nhưng lại trực tiếp gây ô nhiễm.

31/08/2011 15:50
Bị xử phạt vẫn tiếp tục gây ô nhiễm
Cách đây không lâu, Công ty Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái - đơn vị quản lí bãi rác Tuần Quán bị phạt 60 triệu đồng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Bãi rác Tuần Quán có diện tích gần 50.000 m2, do Công ty Công trình và Môi trường đô thị Yên Bái (Công ty Môi trường) quản lý. Mỗi ngày, hàng chục nghìn tấn rác thải của toàn bộ địa bàn TP.Yên Bái được Công ty Môi trường này thu gom rồi mang về đổ xuống bãi rác Tuần Quán khiến hàng nghìn người dân sống quanh khu vực này nhiều năm nay bị tra tấn bởi mùi hôi thối và nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước những bức xúc phản ánh của người dân, Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên Môi trường đã đến bãi rác Tuần Quán kiểm tra. Kết quả là bãi rác Tuần Quán do Công ty Môi trường quản lí, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện không đúng tiến độ xử lý môi trường; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP.Vũng Tàu yêu cầu Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị TP.Vũng Tàu phải thu gom xử lý nước rỉ rác, không cho chảy trực tiếp ra kênh Rạch Bà, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, kéo dài nhiều năm qua. Cũng trong tháng 7-2011, Công an huyện Tân Thành đã bắt quả tang xe chở chất thải sinh hoạt của Công ty Công trình đô thị huyện Tân Thành đổ tại khu vực hồ 44ha (thôn Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ). Cũng trong thời gian này, Cảnh sát Môi trường thuộc Công an tỉnh sau khi kiểm tra hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu đã phát hiện nhiều sai phạm: Không lập thủ tục môi trường cho hoạt động thu gom và vận chuyển rác, không thực hiện giám sát môi trường định kỳ cho các trạm trung chuyển rác, không tiến hành thu gom và xử lý rác... Điều đáng nói ở đây, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị là một DNNN, hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhưng lại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Mới đây nhất là vụ xả thải trái phép ra sông Đồng Nai của Nhà máy Xử lý nước thải của Công CP Dịch vụ Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành thuộc Tổng Công ty Sonadezi). Cục CSĐT tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) đã có kết luận điều tra ban đầu về hành vi xả thải trái phép của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành thuộc Tổng Công ty Sonadezi).
Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm trong nước thải xả ra môi trường của Sonadezi Long Thành vượt từ 5 đến 10 lần so với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, với khối lượng từ 5.000 m³ đến gần 10.000 m³/ngày đêm. Đáng chú ý, một số mẫu nước thải qua phân tích đã phát hiện có 2 chất thải nguy hại được xếp loại cực độc, đó là kẽm và kim loại nặng cadmium (Cd).
C49 cũng làm rõ việc Sonadezi Long Thành vận hành không đúng quy trình, che đậy những hành vi sai trái qua việc cố ý điều chỉnh thiết bị xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, công ty này còn thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2003. Được biết, gần đây nhất là tháng 2-2011, Sonadezi Long Thành đã bị Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt 75 triệu đồng vì vi phạm xả nước thải vượt chuẩn cho phép. Các năm 2009-2010, Công ty này cũng bị xử phạt không dưới 3 lần vì các hành vi xả nước thải vượt chuẩn; quản lý, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định và thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Mạnh tay xử lý vi phạm
Mới đây trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, xung quanh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Qua kết quả thanh tra, kiểm tra thời gian qua, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật, tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng này, chúng ta cần phải xem xét gốc rễ của vấn đề. Suy cho cùng, mục đích chính của doanh nghiệp là lợi nhuận nên muốn doanh nghiệp có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, điều cần thiết là phải làm sao để doanh nghiệp nhận thấy rằng nếu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bản thân doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp hành chính, các chế tài tài chính thông qua hình thức thu phí, thuế bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý môi trường (về vốn, công nghệ xử lý chất thải...)... cần được nghiên cứu để có thể áp dụng một cách hiệu quả. Đồng thời, công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý môi trường cho các doanh nghiệp, những người sẽ trực tiếp thực hiện công tác quản lý và bảo vệ môi trường cấp cơ sở, cần được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng trong thời gian tới. Tôi cho rằng các chế tài xử lý hiện nay đã đủ mạnh, có tính răn đe. Tuy nhiên, để tính răn đe đó phát huy được hiệu quả, cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền. Phải làm sao để các doanh nghiệp vi phạm thấy được những chế tài, hậu quả họ sẽ phải gánh chịu để từ đó chủ động thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây về các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu các hành vi vi phạm môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Thời gian tới Bộ sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách như:Khẩn trương đánh giá tổng kết việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành để xác định các nội dung cần sửa đổi bổ sung phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức thi hành Luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của Bộ TN&MT cũng như Sở TN&MT ở các địa phương. Cùng với quá trình sửa Luật Bảo vệ môi trường, Bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp luật bảo vệ môi trường trong một số Luật khác có liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hệ thống của các Luật nêu trên với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Về hành lang pháp lý chúng ta đã cơ bản có đủ như Luật Bảo vệ môi trường và gần đây là Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bộ TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng cảnh sát môi trường để thực hiện tốt việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, tăng cường tính răn đe đối với các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chắc chắn trong thời gian tới đây, việc xử lý các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ có những chuyển biến tích cực.
Thu Vân (Tổng hợp)