Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt |
Đó là nhận định của Chuyên gia, luật sư và nhà tư vấn Nguyễn Trần Bạt trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ nhân sự kiện ký kết EVFTA sắp diễn ra.
Ngày mai, 30/6, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ được ký. Có thể nói đây là điểm nhấn cho quan hệ kinh tế và ngoại giao của Việt Nam trong năm nay. Ông có bình luận gì nhân sự kiện này?
Trước hết là phải đánh giá cao sự nhẫn nại và tích cực của Chính phủ trong việc vận động ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Cũng giống như sự thành công trong việc gia nhập CPTPP, đây là một việc thể hiện thái độ kiên trì của Việt Nam đối với toàn cầu hóa.
Chúng ta biết rằng thế giới đang ở giai đoạn vĩ thanh của toàn cầu hóa, các cam kết đa phương đã bắt đầu mất dần hiệu lực, làm giảm bớt khả năng tạo ra các cảm hứng phát triển kinh tế, phát triển các quan hệ chính trị. Trong bối cảnh ấy, Cộng đồng Châu Âu vẫn khá tích cực trong việc ký kết các cam kết nói chung và cam kết với Việt Nam nói riêng.
Thế giới chắc chắn có cảm tình với sự kiên nhẫn của Chính phủ chúng ta đối với toàn cầu hóa. Từ hiệp định này đem lại nhiều lợi ích về mặt chính trị, làm cho Việt Nam được nhìn nhận như một quốc gia tôn trọng các cam kết, hay các khía cạnh đạo đức của các cam kết. Việc kiên trì trong các quan hệ để ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và cộng đồng quốc gia khác thể hiện sự dễ chịu về mặt chính trị, về mặt đạo đức của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ký kết mới là bước đầu tiên có tính chất hành pháp, mỗi hiệp định như vậy còn phải đi qua một quy trình pháp lý nữa ở cơ quan lập pháp để trở nên có hiệu lực.
Sau đó, Chính phủ nên tổ chức phổ biến sâu, rộng các cam kết ra xã hội, để các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các bản lĩnh triển khai các mối quan hệ này và biến nó từ chỗ các cam kết tinh thần, cam kết đạo đức thành cam kết có giá trị kinh tế thực tế.
Theo ông, các doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì để đón đầu Hiệp định khi đi vào thực tế?
Đương nhiên các doanh nghiệp sẽ đi tìm đường của họ, đầu tiên là họ tìm đối tác. Trước đây chúng ta chỉ để ý đến đối tác đầu tư, nhưng 15 năm trở lại đây thì người ta bắt đầu tìm đối tác thương mại, thậm chí kể cả các thương mại tiêu cực cũng cần có đối tác. Ví dụ Asanzo muốn có sản phẩm thì phải có đối tác hay có kẻ cung cấp hàng hóa, thậm chí in nhãn cũng phải có những kẻ hợp tác. Nếu không được hướng dẫn đầy đủ về mặt pháp chế thì các công ty sẽ đi theo con đường hợp tác theo kiểu đen tối.
Và đừng bao giờ cho rằng, tất cả các khuyết điểm của các doanh nghiệp là hoàn toàn do nó. Ngoài những yếu tố chủ quan, sự tiêu cực xuất hiện từ phía doanh nghiệp còn do sự thiếu hướng dẫn một cách chắc chắn của quản lý nhà nước trong các hoạt động của nó trên các hướng thương mại được nêu trong các FTA.
Sau một chu kỳ đưa ra các cam kết trong giai đoạn cũ, chúng ta bước sang giai đoạn thứ hai của các cam kết quốc tế có chất lượng toàn cầu, bắt đầu từ CPTPP. Rút kinh nghiệm giai đoạn trước, chúng ta cần phải biến sự hiểu biết, sự thông thái có chất lượng của Chính phủ thành sự thông thái có chất lượng của xã hội. Điều đó giúp cho các doanh nghiệp tránh được những gì mà chúng ta đã vấp phải trong những đợt chống bán phá giá của các đối tác trong các Hiệp định trước đây.
Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu từ giờ cho đến khi được Quốc hội các bên phê chuẩn, còn một giai đoạn khá dài, có thể tới một năm. Khoảng thời gian ấy là lúc Chính phủ nên tranh thủ để biến nó thành kiến thức toàn xã hội.
Bộ Tư pháp hiện đang tổ chức một lớp đào tạo các luật sư quốc tế, ở đấy bài học khó nhất là về WTO. Đến bây giờ WTO vẫn còn đang được phổ biến trong các lớp học chính thức của Bộ Tư pháp, mà những lớp học như thế không phải là phổ biến. Trong khi đó WTO đã có dấu hiệu lỗi thời, vòng đàm phán mới chưa hoàn thành, vòng đàm phán cũ thì lạc hậu. Đã cam kết gia nhập WTO có nghĩa là chúng ta thừa nhận luật WTO là một bộ luật của Việt Nam. Thế nhưng bộ luật ấy lại chưa trở thành kiến thức của xã hội Việt Nam thì làm thế nào để thực hiện một cách có hiệu quả. Rút kinh nghiệm của giai đoạn trước, Chính phủ nên xúc tiến một cách tích cực hơn trong việc phổ biến nội dung của các cam kết mới, trong đó có CPTPP và EVFTA.
Vấn đề chất lượng sản phẩm có phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu khi doanh nghiệp muốn được hưởng lợi từ các FTA?
Chất lượng sản phẩm là các tiêu chuẩn cố định. Chất lượng sản phẩm cùng với sự phát triển kinh tế toàn cầu đã trở thành tiêu chuẩn cố định trong các quan hệ. Thí dụ, tiêu chuẩn Euro 4, 5, 6 là tình huống cố định. Chúng ta muốn bán hàng cho họ thì chúng ta buộc phải có sản phẩm đạt chất lượng.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự hỗ trợ trí tuệ trong giao lưu thương mại, còn các tiêu chuẩn công nghiệp là cố định. Thậm chí người ta đã xem nhân quyền cũng là tiêu chuẩn cố định rồi. Thí dụ, anh sử dụng lao động tù nhân, lao động trẻ em là thì không được bán những sản phẩm ấy vào đất nước chúng tôi. Sự khôn ngoan thương mại thể hiện ở khía cạnh tránh các tình huống được nêu trong các điều luật đặc biệt, tránh những hoạt động có tính chất lộ liễu của nhà nước để rơi vào các bẫy thuế quan. Còn các tiêu chuẩn về hàng hóa và chất lượng, các tiêu chuẩn về xuất xứ đã thành luật. Luật ấy độc lập với các FTA, các FTA thừa nhận nó chứ không sinh ra nó.
Ngoài việc phổ biến thông tin, theo ông, Chính phủ nên làm gì để giúp các doanh nghiệp?
Trước hết là các trường luật nên đưa các FTA vào chương trình giảng dạy của mình. Phổ biến trên báo chí mới chỉ là một hình thức sơ khai. Khi Chính phủ đã cam kết, tức là Việt Nam có thêm một bộ luật. Các trường luật và trường ngoại thương nên đưa các FTA vào chương trình giảng dạy, nếu không thì các thương nhân, các doanh nghiệp sẽ đứng ngoài sự hiểu biết.
Các nội dung FTA là những cam kết xã hội có giá trị rộng lớn, dứt khoát phải đưa nó thành chương trình giảng dạy tại các trường luật, báo chí phải phổ biến nó, các cơ quan liên quan phải nghiên cứu nó trên các khía cạnh khác nhau, trên từng ví dụ thương mại cụ thể có liên quan.
Mỗi một FTA phải có chuyên gia của nó, phải có luật sư chuyên về nó. Tức là phải biến các FTA trở thành trí tuệ có chất lượng phổ biến, chắc chắn và cơ bản trong đời sống xã hội.
Ở ASEAN mới chỉ có Singapore ký hiệp định thương mại tự do với EU, còn những nền kinh tế khác như Malaysia, Indonesia… thì vẫn chưa. Theo ông, nên nhìn nhận thế nào về thực tế này?
Chúng ta ký được Hiệp định với EU là chúng ta đã mang niềm tự hào của một quốc gia bắt đầu sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Như vậy, sánh vai cùng các năm châu ở khu vực này mới có Singapore và bây giờ là Việt Nam. Để biến sự sĩ diện tinh thần ấy trở thành các thực lợi thì xã hội chúng ta còn phải phấn đấu vài ba năm nữa. Sau ngày chủ nhật 30/6, từ thứ hai trở đi chúng ta phải bắt đầu quá trình truyền bá, giảng dạy các nội dung của EVFTA để biến các cam kết có tính chất Chính phủ thành các cam kết có tính chất xã hội. Đấy là con đường để tạo ra sự phát triển thông qua các hiệp ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia./.