Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 03 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.
Qua 3 lần tổ chức, Hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hội nghị thực sự trở thành "Hội nghị Diên Hồng" của người Việt Nam ở nước ngoài. Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được đưa ra và được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.
Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.
Phát biểu về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ban ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tin tưởng, tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước; mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.
Ông Hoàng Đình Thắng đề xuất, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.
Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đề xuất cân nhắc điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội; mở rộng việc cho phép các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị - xã hội trong nước…
Về việc hỗ trợ cộng đồng, ông Hoàng Đình Thắng đề nghị, thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.
Bên cạnh đó là xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch; tăng cường tổ chức kết nối chuyên gia, trí thức kiều bào; quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt; tổ chức thêm các sự kiện văn hóa, văn nghệ ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam...
Về nguồn lực triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Hoàng Đình Thắng mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng và tiếp tục chú trọng công tác này thông qua việc tăng cường các nguồn lực tương xứng để triển khai công tác.
Phát biểu tại Phiên Khai mạc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ.
Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Nhấn mạnh việc thu hút nhân tài, nhất là thế hệ trẻ từ cộng đồng kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất, Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ vui mừng nhận thấy có rất nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam. Ở Sài Gòn hiện có gần 100 công ty start up và nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các bạn kiều bào trẻ, trong đó đa số về từ Hoa Kỳ.
Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép).
Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các kiều bào trẻ có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước…
Về hoàn thiện môi trường đầu tư, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nhưng cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Do đó, cần xem xét cơ chế một cửa dành cho kiều bào, nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.
Đối với chiến lược phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ; có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch...
Sinh ra tại Huế, miền Trung Việt Nam TS. Lê Viết Quốc (Nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google) rời quê hương để du học khi mới 19 tuổi. Tính đến nay, TS. Lê Viết Quốc đã sống ở nước ngoài 23 năm.
"Nghĩa là thời gian tôi ở nước ngoài còn dài hơn thời gian tôi sống tại Việt Nam. Nhưng trong những giấc mơ của tôi, hình ảnh Việt Nam luôn hiện hữu", TS. Lê Viết Quốc chia sẻ.
Hành trình của TS. Lê Viết Quốc với trí tuệ nhân tạo bắt đầu từ năm 2004 và đến nay đã tròn 20 năm và theo TS. Lê Viết Quốc trí tuệ nhân tạo chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng tương lai.
Theo TS. Lê Viết Quốc, Việt Nam cần nhìn nhận rằng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra như một cơn sóng ngầm, một ngày nào đó, nó sẽ bùng nổ thành một cơn sóng thần cuốn trôi tất cả. Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng với trí tuệ nhân tạo.
Với kinh nghiệm của mình, TS. Lê Viết Quốc đã đề xuất bốn khuyến nghị để Việt Nam có thể biến thách thức này thành cơ hội.
Thứ nhất, Việt Nam nên nhận ra rằng tài sản lớn nhất của mình chính là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.
TS. Lê Viết Quốc vui mừng chia sẻ rằng trong chuyến về nước lần này, Google đã quyết định đầu tư vào Đại học Fulbright, đặc biệt là trong chương trình giáo dục trí tuệ nhân tạo. Sự đầu tư này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới giáo dục trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Thứ hai, sau khi đã đầu tư vào con người, cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua, và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ.
Thứ ba, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Trong thế kỷ 21, trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ quan trọng, và ai đi sau sẽ bị bỏ lại phía sau.
Tin vui là hiện nay, nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo đang được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở, mở ra cơ hội rất lớn cho các ứng dụng trong tương lai gần.
Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông, và nhiều lĩnh vực khác.
Cuối cùng, Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.
Diệp Anh