In bài viết

Kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp

(Chinhphu.vn) - Nền nông nghiệp đang bị đe dọa bởi đô thị hóa, ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu... Đứng trước thách thức này đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính cách mạng trong sản xuất nông nghiệp.

23/06/2015 16:47
Các diễn giả tại diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp lần thứ 2

Ngày 23/6, Diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp lần thứ 2 khai mạc với chủ đề “Khu vực ASEAN năm 2015: Hợp tác vì sự phát triển bình đẳng”.

Diễn ra trong hai ngày 23 và 24/6, diễn đàn này quy tụ 350 nhà lãnh đạo từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp quốc tế, các thể chế tài chính và các hiệp hội nông nghiệp nhằm tìm kiếm và hình thành một tương lai bền vững hơn cho lương thực và nông nghiệp trong khối ASEAN.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông thủy sản hàng đầu, tuy nhiên sức cạnh tranh còn thấp. Thách thức lớn của Việt Nam cũng như các nước ASEAN là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các mặt hàng và sản xuất theo hướng bền vững. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và đầu tư xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Hiện Việt Nam đã triển khai mô hình đối tác công-tư (PPP) trên nhiều ngành hàng. Cụ thể, mô hình PPP thực hiện trong ngành cà phê đã chứng minh được hiệu quả rõ nét như tăng năng suất, thu nhập người nông dân tăng 14%, tiết kiệm 30% lượng nước, giảm phát thải tới 63%. Mô hình này đang được đẩy mạnh nhân rộng và dự kiến đến năm 2017 sẽ có 500.000 nông dân tham gia và các dự án hợp tác công-tư.

“Các nhóm công tác đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy trình mới, nâng cao chất lượng hàng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo chuỗi giá trị gia tăng và đặc biệt giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Hy vọng qua diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ tăng cường hợp tác qua mô hình. Mối liên kết này sẽ gia tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lượng thực, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nông sản ASEAN trên thị trường thế giới”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng cần tìm ra những phương thức sản xuất mới, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sinh kế cho nông dân, vừa phải giảm thiểu sự lãng phí lương thực, giảm thiểu sự tác động của môi trường từ nông nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, khi đó các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hạt nhân, liên kết và thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát triển bền vững, thông qua những sáng kiến mô hình sản xuất kinh doanh với hàm lượng công nghệ, chất lượng cao, đặc biệt có sự liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Việt  Nam cũng như nhiều nước ASEAN khác, có rất ít doanh nghiệp đầu  tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Với chủ đề "Khu vực ASEAN năm 2015: Hợp tác vì sự phát triển bình đẳng", những người tham dự diễn đàn sẽ đưa ra khuyến nghị trong việc gia tăng chuỗi cung cấp các sản phẩm được sản xuất bền vững như trà, gạo, cà phê, thủy sản, bơ sữa và ngô.

Các chuyên gia trong các lĩnh vực hàng hóa này sẽ thảo luận về những thay đổi chuyển đổi cần thiết trong hệ thống canh tác của thế giới nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng cho những người nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ.

Đỗ Hương