In bài viết

Kinh doanh có trách nhiệm vì thế hệ trẻ sẽ tạo ra tương lai bền vững

(Chinhphu.vn) - Các doanh nhân, doanh nghiệp giờ đây không chỉ là làm giàu, tìm kiếm lợi nhuận, mà còn phải kinh doanh có trách nhiệm, tôn trọng quyền con người, đặc biệt là tôn trọng quyền trẻ em.

30/05/2023 21:24
Kinh doanh có trách nhiệm vì thế hệ trẻ sẽ tạo ra tương lai bền vững - Ảnh 1.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - Ảnh: VGP/HT

Chiều 30/5, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn DN "Kinh doanh có trách nhiệm vì tương lai bền vững cho thế hệ trẻ Việt Nam". Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và VCCI về thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh (CRBP) giữa các DN tại Việt Nam, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN và tăng cường kiến thức, năng lực kinh doanh và cam kết tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em ở Việt Nam.

Quan tâm quyền trẻ em có tác động dài hạn tới DN

Thời gian qua, UNICEF và VCCI đã và đang cùng thúc đẩy và kêu gọi kinh doanh có trách nhiệm và bền vững, vận động cộng đồng DN cam kết tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, các DN đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới mà trẻ em đang sống thông qua hành động, ảnh hưởng và cách sử dụng các nguồn lực của họ. "Trẻ em là mối quan tâm của tất cả chúng ta. UNICEF kêu gọi mọi DN, dù là quy mô nhỏ, vừa hay lớn, hãy làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ trẻ em, vì trẻ em, cho trẻ em", bà Rana Flowers kêu gọi.

Tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, chuyên gia chính sách kinh tế, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã dẫn ra câu chuyện của một số DN trong việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp về tôn trọng quyền trẻ em và tổng kết: "Các DN là những thực tiễn về kinh doanh có trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em. Đây có thể được xem là một phần chiến lược của DN để trở thành 'nhà tuyển dụng được yêu thích', khách hàng tin tưởng".

Còn bà Ines Kaempfer, Tổng Giám đốc điều hành Trung tâm Quyền trẻ em và và trách nhiệm xã hội của DN góp ý: Mặc dù chúng ta có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn có những vấn đề về lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng. Do đó, cần có các nghiên cứu bảo đảm để mang lại cơ hội mới cho các bạn trẻ với các việc làm phù hợp.

Kinh doanh có trách nhiệm vì thế hệ trẻ sẽ tạo ra tương lai bền vững - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI - Ảnh: VGP/HT

Nâng cao nhận thức và có cơ chế gắn chặt lợi ích DN và quyền lợi trẻ em

Theo các chuyên gia, nhìn trên bình diện rộng thì DN và trẻ em đều có mối quan hệ tương tác, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, dự án "Thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong DN" mà VCCI chủ trì thực hiện, với sự hỗ trợ của UNICEF từ năm 2019 đã góp phần đáng kể vào việc lan tỏa Bộ nguyên tắc Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh - CRBP đến các DN nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của nhiều bên liên quan để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các DN tôn trọng, tích hợp  quyền trẻ em trong kinh doanh.

Trong hoạt động kinh doanh việc tích hợp quyền trẻ em vào các chỉ tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng. Các chỉ tiêu này thực sự cần thiết cho các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người. Điều này càng có ý nghĩa và quan trọng với Việt Nam - một nền kinh tế mở và đang hội nhập sâu và rộng với thế giới.

Ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, đặt ưu tiên vào việc thực hành ESG sẽ không chỉ giúp DN đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, mà còn trang bị cho họ năng lực bước vào thị trường toàn cầu, đồng thời qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người: "Để bảo đảm sự phát triển kinh tế một cách chiến lược, cần phải kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh phải mang lại lợi ích cho mọi người, bao gồm cả trẻ em.

Kinh doanh có trách nhiệm vì thế hệ trẻ sẽ tạo ra tương lai bền vững - Ảnh 3.

Các chuyên gia, đại diện các hiệp hội DN trao đổi tại toạ đàm - Ảnh: VGP/HT

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc, Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững VCCI nhấn mạnh: DN tạo ra các giá trị kinh tế tăng trưởng cho xã hội. DN chỉ phát triển bền vững khi tăng trưởng đó phải được thụ hưởng công bằng với từng đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em. 

VCCI đại diện cho cộng đồng DN. Có gần 200.000 DN thành viên với hệ thống các hiệp hội DN ngành nghề cùng sự hỗ trợ các ban, bộ, ngành đã triển khai nhiều năm nay hoạt động cụ thể nhằm tăng cường nâng cao nhận thức, đặc biệt nhận thức thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Không chỉ dừng lại tuyên truyền, cổ vũ động viên, VCCI đã và đang từng bước phối hợp xây dựng khuôn khổ chính sách, thực hành kinh doanh có trách nhiệm, lan tỏa những mô hình thực hành kinh doanh có trách nhiệm...

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, đến từ Bộ Tư pháp cho hay, bám sát chủ trương của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang xây dựng chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ đề án về chương trình hành động quốc gia này trong năm 2023. Trong đó, có các nội dung đánh giá về thực trạng các quy định trong các nhóm yếu thế, bao gồm trẻ em, từ đó, đề ra giải pháp khắc phục bất cập thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm.

‎Các giải pháp quan trọng là: Nâng cao nhận thức các cơ quan Nhà nước, cộng đồng DN, chương trình hành động quốc gia xác định từng nhóm đối tượng về pháp luật, hoàn thiện pháp luật. Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ LĐTB&XH nghiên cứu sửa đổi ban hành một số luật liên quan, như: Luật Trẻ em, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trẻ em có tài khoản chủ động thực hiện giao dịch).

"Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang phối hợp, làm việc với Toà án Nhân dân tối cao về các quy định về Bộ luật Tố tụng dân sự, trong đó có các nội dung liên quan đến quyền trẻ em trong kinh doanh", đại diện Bộ Tư pháp thông tin.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho hay: Hiện đã có nhiều quy định liên qua đến quyền trẻ em. Điều 37, Hiến pháp 2013 cũng quy định rất rõ về quyền trẻ em. Điều 145 Luật Lao động cũng nêu rõ về các quy định với bảo đảm lợi ích cho lao động trẻ em.

Tuy nhiên, cần có thêm các cơ chế, giải pháp để phát hiện sớm phòng ngừa lao động trẻ em bất hợp pháp. Trong đó, cần tăng cường công tác truyền thông các cấp các ngành, các cơ sở giáo dục, nâng cao nhận thức các DN, hợp tác xã trong việc sử dụng lao động trẻ em…

Bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh vào mối liên quan giữa các lao động nữ và quyền lợi trẻ em. Hiện nay, với việc phát triển khu công nghiệp lớn cùng với qúa trình tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu nảy sinh một số vấn đề xã hội, như tình trạng li hôn gia tăng, vấn đề khó khăn của các lao động nữ khi chăm con...

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nghiên cứu để triển khai các chương trình hỗ trợ cho người lao động di cư, đặc biệt các lao động nữ, tạo điều kiện để cân bằng với các hoạt động công việc với chăm lo con cái, gia đình", bà Trần Thu Phương cho hay.

Huy Thắng