Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục, cấp thẻ nhân viên cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đối với người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ, những người không mặc trang phục theo quy định, không đeo thẻ nhân viên hoặc không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Dự thảo cũng nêu rõ điều kiện về văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Cụ thể, địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải ổn định ít nhất từ một năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ một năm trở lên.
Trường hợp chuyển địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi đi và nơi đến chậm nhất là mười lăm ngày trước khi thực hiện việc di chuyển địa điểm.
Bộ Công an quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Cụ thể, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo lực lượng Công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình các cấp thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng và trình các cấp thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất thay vì báo cáo Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ báo cáo Bộ Công an về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Thanh Hoài