In bài viết

Kinh doanh nhiều loại sản phẩm, chứng nhận an toàn thực phẩm thế nào?

(Chinhphu.vn) – Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

01/10/2019 17:20

Ông Trương Tuấn Ngọc (Hà Nội) thuê một căn nhà liền kề 2 tầng để chuẩn bị mở công ty kinh doanh nhà hàng. Nay, ông có ý tưởng kết hợp với kinh doanh bánh ngọt, bánh gatô tự làm để tối ưu diện tích thuê, đa dạng món điểm tâm cho thực đơn nhà hàng và đa dạng dịch vụ. Cụ thể, tầng 1 khu ngoài sẽ được bố trí có khu vực tiếp khách và bầy tủ bánh để bán, khu trong có bếp và khu làm bánh ngọt ngăn ra tách biệt; tầng 2 xếp bàn để kinh doanh nhà hàng.

Ông Ngọc được biết sản xuất, kinh doanh bánh ngọt và kinh doanh nhà hàng đều phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, kinh doanh nhà hàng thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế, xin cấp giấy tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội, còn sản xuất kinh doanh bánh ngọt thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương, xin cấp giấy tại Sở Công Thương TP. Hà Nội.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Ngọc hỏi, ông cần nộp hồ sơ xin chứng nhận an toàn thực phẩm tới cơ quan nào? Ông phải nộp một bộ hồ sơ để xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho cả hai lĩnh vực kinh doanh trên hay phải nộp 2 lần hồ sơ khác nhau cho cùng một cơ quan?

Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có ý kiến như sau:

Công ty của ông Ngọc đang sản xuất, kinh doanh bánh ngọt và kinh doanh nhà hàng. Theo Khoản 10, Điều 36 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, “đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính”.

Do đó, công ty của ông Ngọc có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Công ty nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đến Sở Công Thương TP. Hà Nội hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với loại hình sản xuất, kinh doanh bánh ngọt và kinh doanh nhà hàng (dịch vụ ăn uống).

Chinhphu.vn