In bài viết

Kinh tế Myanmar: Triển vọng và thách thức

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng tích cực trước những nỗ lực cải cách chính trị, kinh tế, xã hội của Myanmar. Theo các nhà kinh tế, với chính sách cải cách khá mạnh mẽ được triển khai trong thời gian vừa qua, Myanmar đang dần dần thoát khỏi tình trạng bị phương Tây cô lập.

24/07/2013 15:47

Thủ đô Yangon Myanmar. Ảnh: Myanmar Guardian

Nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ, EU và một số quốc gia khác đã và đang được dỡ bỏ. Giới phân tích quốc tế gần như thống nhất nhận định: với nguồn tài nguyên phong phú và với vị trí địa chính trị quan trọng, Myanmar sẽ thu hút mạnh mẽ các đối tác đầu tư và kinh tế nước này sẽ hội nhập nhanh chóng, toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Giới chuyên gia nhận định, nếu các lệnh trừng phạt, cấm vận được dỡ bỏ, các luồng vốn đầu tư và các công ty nước ngoài sẽ đổ vào Myanmar, quốc gia vừa giàu tài nguyên thiên nhiên, vừa có lực lượng lao động rẻ và có khả năng nói tiếng Anh khá tốt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Myanmar đang "đứng trước một cơ hội lịch sử để thúc đẩy phát triển kinh tế".

Báo cáo của các chuyên gia tư vấn tại Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (trụ sở tại Mỹ) viết: “Myanmar có sức mạnh nội tại” với vị trí nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, và may mắn khi bắt đầu cải cách “trong thời đại số”. Nước này có thể bỏ qua mô hình phát triển thông thường bằng cách nắm bắt công nghệ mới để đào tạo dân số vốn có trình độ học vấn trung bình là bốn năm học ở trường, và cung cấp các dịch vụ y tế, ngân hàng và kinh doanh hiện đại.

Sản xuất là bộ phận không thể thiếu với tốc độ tăng trưởng kinh tế và có thể tạo ra 10 triệu việc làm, theo McKinsey. Viện này cũng thúc giục Myanmar chuyển đổi từ ngành nông nghiệp sang các công việc được trả lương cao hơn như công nghiệp may mặc. Lĩnh vực sản xuất có thể bổ sung 70 tỷ USD cho GDP tính đến năm 2030, gấp bảy lần hiện tại, và vượt qua nông nghiệp, vốn mang lại 21,2 tỉ USD, để trở thành đầu tàu kinh tế.

Các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ, năng lượng, du lịch và viễn thông cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế, song chỉ khi Myanmar đầu tư khoảng 320 tỷ USD để xây dựng mạng lưới giao thông và nhà máy điện hiện đại.

Tuy nhiên, sự phát triển phụ thuộc vào việc chính phủ mở rộng cải cách và bảo đảm ổn định nhằm thu hút đầu tư dài hạn.“Nếu không thể xây dựng một kế hoạch tăng trưởng thuyết phục và thực thi nó hiệu quả, sự tín nhiệm và lạc quan thận trọng hôm nay có thể bay hơi rất nhanh”, báo cáo cảnh báo.

Sự vươn lên của nền kinh tế Myanmar có thể thúc đẩy tăng trưởng khu vực, cũng như thương mại và đầu tư trong ASEAN. Theo IHS Global Insight, GDP của Myanmar sẽ tăng trưởng khoảng 6%/năm cho tới năm 2020, với GDP tăng gấp đôi lên 124 tỷ USD. Thị trường tiêu dùng nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, tạo một thị trường tăng trưởng nhanh cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của các nước khác trong ASEAN.

Ngoài ra, số dân Myanmar lớn thứ tư trong ASEAN, với khoảng 50 triệu người, cũng là một lợi thế không thể bỏ qua. Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, Myanmar sẽ là một điểm đến đầu tư đầy thách thức. Những khó khăn dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng lạc hậu, luật đầu tư chưa hoàn chỉnh, một hệ thống ngân hàng còn yếu kém, quản lý nhà nước chưa hiệu quả, thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng cũng là vấn đề lớn của Myanmar.

Myanmar là quốc gia rất giàu tài nguyên khoáng sản, vàng và đá quý, nhất là trữ lượng khí tự nhiên của nước này đứng thứ 13-14 thế giới, trong khi đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt lên tới khoảng 23 triệu ha. Thêm vào đó, Myanmar có vị trí địa-chính trị quan trọng, thuận lợi để giao thương buôn bán với nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, Myanmar được các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản rất quan tâm. Trong thập niên 1940-1950, Myanmar đã là một nền kinh tế mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, sau đó đã có một thời kỳ dài đầy khó khăn, Myanmar bị cô lập và tụt hậu. Hiện tại, Myanmar là một trong những thị trường hiếm hoi "còn sót lại" của châu Á hầu như chưa được khai thác, với GDP hiện chỉ đạt khoảng 50 tỷ USD/năm.

Tiếp sau những chuyển biến chính trị là quá trình mở cửa nền kinh tế, những biểu hiện mới gần đây cho thấy Myanmar đang trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) quốc tế mạnh nhất khu vực.

Theo Báo cáo của Tổng vụ đầu tư và đăng ký công ty Myanmar (DICA), tính đến cuối năm 2012 đã có 493 dự án, với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Myanmar đạt mức hơn 41 tỷ USD. Trung Quốc đang là nước dẫn đầu với 15 tỷ USD (chiếm 35% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài tại Myanmar); có khoảng 175 doanh nghiệp và hơn 90 dự án, nhà máy sản xuất các loại. Singapore có khoảng 80 doanh nghiệp đang đầu tư tại Myanmar với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD. Trong đó, có tới 70% lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà ở…

Theo các nhà phân tích, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Myanmar ngày càng phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng với các nhà đầu tư phương Tây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng cơ hội và triển khai các kế hoạch đầu tư vào Myanmar. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Myanmar dự kiến sẽ tăng từ 230 triệu USD năm 2012 lên khoảng 500 triệu USD vào năm 2015.

Bên cạnh các cơ hội thì việc Myanmar hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới cũng tạo ra nhiều thách thức khi nước này sẽ là nơi thu hút, "chia sẻ" bớt dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Myanmar sẽ là một đối thủ mạnh trên thị trường gạo thế giới.

Chính phủ Myanmar bắt đầu mua gạo với giá cao hơn giá thị trường để khuyến khích nông dân sản xuất thêm lúa gạo, nên xuất khẩu gạo của nước này có thể tăng lên 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015. Xuất khẩu gạo của nước này gia tăng sẽ góp phần làm tăng lượng gạo dự trữ trên toàn cầu, đồng thời tạo thêm sức ép cạnh tranh với các nước sản xuất gạo chủ chốt châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam./.

Nguyễn Chiến