Theo số liệu sơ bộ của chính phủ Nhật Bản công bố ngày 17/11, GDP quý III/2014 của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tiếp tục giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã giảm 7,3% trong 3 tháng trước đó. Tuy nhiên, so với quý trước đó, kinh tế Nhật Bản chỉ giảm 0,4% trong quý III. Như vậy, Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi GDP liên tiếp suy giảm mạnh trong 2 quý gần đây.
Số liệu GDP quý III của Nhật có ý nghĩa quan trọng bởi Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ dùng số liệu này để làm cơ sở quyết định liệu có tăng thuế tiêu thụ lần 2 lên 10% vào tháng 10/2015 từ mức 8% như hiện nay không. Việc tăng thuế đã được Chính phủ lên kế hoạch từ năm 2012 để giảm khối nợ công khổng lồ. Tuy nhiên, việc tăng thuế lần 1 đã tác động mạnh đến tăng trưởng và vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, với các dự báo kém khả quan về nền kinh tế nước này.
Ngay lập tức thị trường đã phản ứng trước thông tin mới này, ngày 17/11, đồng USD vượt lên trên 117 yên Nhật sau đó chốt ở 1 USD ăn 116,46 yên. Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật mất 2,6%, đạt 17.037,65 điểm.
Hồi tháng 4/2014, Nhật Bản đã nâng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% nhằm cải thiện tình hình tài chính và dường như động thái này vẫn đang tác động lên nền kinh tế. Việc tăng thuế trên thực tế là để giảm bớt gánh nặng nợ công của Nhật Bản. Tuy nhiên, quyết định này lại khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm mạnh chi tiêu và áp lực lạm phát giảm, khiến nền kinh tế lao dốc mạnh trong 2 quý gần đây. Để thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh hơn và lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã buộc phải tăng cung tiền lên 80 nghìn tỷ/năm trong cuộc họp chính sách tháng 10.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản hiện có quan điểm khác nhau về tăng thuế tiêu thụ. Một số cho rằng việc tăng thuế là cần thiết để cho thấy cam kết của Nhật về sự ổn định tài chính, trong khi số khác nói đây không phải là thời điểm phù hợp để đánh vào túi tiền của người tiêu dùng. Số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân quý II, vốn đóng góp 60% GDP, yếu hơn dự kiến. Tình hình kinh tế ảm đạm đã khiến viễn cảnh tăng thuế trở nên mờ mịt.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã khiến các thị trường sốc với quyết định gia tăng quy mô của gói kích thích khổng lồ nhằm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế và châm ngòi cho lạm phát.
Thống kê cho thấy, chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản trong quý III chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi đầu tư cơ bản của các công ty giảm 0,2%, chưa thoát khỏi xu hướng “èo uột” trước đó. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là các công ty Nhật bắt đầu cắt giảm được lượng hàng tồn kho ở mức cao.
Kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái là một thông tin bất ngờ. Không một chuyên gia nào trong số 18 nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát ý kiến trước đó nhận định GDP Nhật suy giảm. Các chuyên gia này còn dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng từ 2,1- 2,25% trong quý III.
Theo một số đánh giá, chính sách chấn hưng tăng trưởng Abenomics của ông Abe đang gặp khó. Chính sách này đã phát huy tác dụng khá tốt trong năm 2013, nhưng bước sang năm nay, kinh tế Nhật lại rơi vào tình trạng chật vật. Điều này cho thấy, việc đưa kinh tế Nhật ra khỏi thời kỳ tăng trưởng ì ạch kéo dài hàng thập kỷ không phải là một việc dễ dàng.
Các nhà kinh tế học cho biết, tăng trưởng yếu có nghĩa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử để hoãn tăng thuế tiêu dùng dự kiến vào năm sau. Theo các chuyên gia, cách giải quyết có khả năng nhất hiện giờ là bầu cử bất thường vào tháng 12 để cho phép các cử tri chọn hoãn lại việc tăng thuế. Hiện giờ ngày càng có nhiều đồn đoán rằng Thủ tướng Abe sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào tháng tới để tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho nội các của ông chỉ hai năm sau khi ông nắm quyền.
Truyền thông Nhật đưa tin rằng ông Abe sẽ thông báo bầu cử vào thứ Ba 18/11 và cuộc bầu cử này có thể sẽ diễn ra vào ngày 14/12 tới./.
Nguyễn Chiến