In bài viết

Kinh tế thế giới 2014: Lùi và tiến

(Chinhphu.vn) - Trong bức tranh tổng thể về kinh tế thế giới năm 2014, có những bước tiến, lùi xen kẽ.

31/12/2014 09:12
Ảnh minh họa
Bước tiến

Trong bức tranh kinh tế toàn cầu một năm qua, châu Á vẫn là khu vực có nhiều màu sáng nhất. Kinh tế các nước như Philippines và Indonesia có mức tăng trưởng gần 6%.

Tốc độ tăng GDP 2 chữ số suốt ba thập kỷ qua đã đưa Trung Quốc vào top những nền kinh tế lớn nhất thế giới và tầng lớp trung lưu gia tăng chóng mặt. Nhưng hiện tại, tốc độ này đang giảm dần. Trung bình 2 năm qua, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,7%, thấp hơn nhiều so với 10,5% năm 2010. Trong quý III/2014, GDP nước này chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng chậm nhất từ sau khủng hoảng kinh tế. Bất động sản đang được cho là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế này, khi nguồn cung dư thừa và giá cả lao dốc. Nợ doanh nghiệp cũng đang ở mức báo động. Theo giới phân tích, Trung Quốc không thể tháo gỡ các vấn đề hiện tại bằng tăng kích thích tài khóa hay tiền tệ, mà phải bằng cải tổ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2014 đã phải 3 lần điều chỉnh giảm dự báo về mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

IMF dự báo nhịp độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm 2014, thấp hơn 0,1% so với dự báo IMF đưa ra tháng 7/2014 và 0,4% so với con số dự báo tháng 4/2014. IMF cũng hạ dự báo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2015 từ 4% xuống còn 3,8%. 

Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 thế giới có mức tăng trưởng 5% kéo dài trong hai năm 2012 – 2013, năm 2014 nhích lên mức 5,4%. Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng mạnh nửa cuối năm, nhờ chiến thắng của tân Thủ tướng Narendra Modi, thâm hụt vãng lai co lại và giá dầu giảm.

Trong nhóm các nước phát triển, Mỹ và Anh là những điểm sáng khi được kỳ vọng có sự bứt phá mạnh. IMF dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng 2,2% trong năm 2014 và 3,1% trong năm 2015. Những báo cáo mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, kinh tế Mỹ có sự phục hồi rõ rệt so với đầu năm 2014 và là cơ sở để Ban lãnh đạo Fed cân nhắc việc chấm dứt các biện pháp kích cầu kinh tế. 2014 cũng là lần đầu tiên sau 7 năm, hơn một nửa dân số Mỹ tin rằng nền kinh tế nước nhà đang trong trạng thái khoẻ mạnh. Sau 6 năm nới lỏng tiền tệ, Fed đã chính thức chấm dứt chương trình QE vào cuối tháng 10 và tỏ ra tin tưởng vào đà tăng trưởng của quốc gia. Những thông tin vĩ mô tích cực, cùng giá dầu giảm, đã khiến chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục. USD tuần này còn lập đỉnh 9 năm so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới.

Anh cũng được đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2014. Theo IMF, Anh sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế phát triển ở mức 3,2% năm 2014 và năm 2015 đạt 2,7%, chỉ xếp sau Mỹ. IMF nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng này đủ mạnh để đưa nền kinh tế Anh thoát khỏi những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp của Anh được dự báo sẽ giảm xuống mức 6,3% năm 2014 và 5,8% năm 2015. Động lực chủ yếu giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm là nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh về năng suất của các ngành công nghiệp mũi nhọn. Nếu duy trì đà tăng trưởng bền vững và lâu dài, nền kinh tế Anh có thể vượt qua những nguy cơ gây trì trệ và đình đốn đã kéo dài từ nhiều năm qua.

Kinh tế châu Phi năm nay cũng tăng trưởng 4,8%; Các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean năm qua đạt mức tăng trưởng trung bình 1,1%. Trong đó, Panama là nước dẫn đầu với mức tăng 7%, tiếp đến là Bolivia, Cộng hòa Dominican, Nicaragua, Colombia, Mexico và Chile. Mexico là quốc gia được hưởng lợi từ sự phục hồi và phát triển nhanh của Mỹ - nền kinh tế số một thế giới. Trong khi đó, Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, được dự báo chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2014, mức thấp nhất kể từ năm 1998. 

…và bước lùi

Những mảng tối, bước lùi của kinh tế thế giới năm 2014 có thể phải kể đến là kinh tế EU. Kinh tế khu vực đáng quan ngại nhất vì đang cận kề của sự suy thoái với mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay và sẽ tăng trưởng âm vào năm sau. Trong đó, khu vực Eurozone vẫn tăng trưởng âm 0,4% năm 2013 và cả năm 2014. Hai nền kinh tế chủ chốt trong khu vực là Đức và Pháp có những dấu hiệu chững lại. Những báo cáo gần đây chỉ ra rằng, các công ty tại Đức đạt mức tăng trưởng các hoạt động mua bán thấp nhất kể từ 6/2013, trong khi Pháp bị đánh tụt tín nhiệm xuống mức AA từ AA bởi Fitch Ratings.

Kinh tế Nga đã có dấu hiệu suy thoái trong những tháng cuối năm 2014 trong bối cảnh giá dầu lao dốc mạnh và các lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, đã và đang tác động bất lợi tới tình hình kinh tế trong nước. Chính phủ Nga cho biết trong tháng 11/2014, kinh tế nước này sụt giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua

Đồng ruble đã mất giá hơn 40% so với đồng USD tính từ đầu năm tới nay, dầu thô chiếm 50% ngân sách của Nga lại đang giảm giá thấp kỷ lục dưới 60 USD/thùng, khiến ông Tổng thống Nga Vladimir Putin phải thừa nhận kinh tế Nga đang gặp khó khăn và có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có mức tăng trưởng 1,4% năm 2013 và đầu năm 2014, nhưng quý 4 lại giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do tác động từ chính sách tăng thuế tiêu thụ, khiến Thủ tướng Shinzo Abe đã phải tuyên bố giải tán Hạ viện.

Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát từ Mỹ năm 2008 cho đến nay tuy đã đến đáy, nhưng giai đoạn “tiêu điều” vẫn kéo dài, đan xen khiến giai đoạn “phục hồi” và tăng trưởng không rõ nét. Những căng thẳng địa - chính trị tại một số nơi trên thế giới nhất là cuộc chiến Đông – Tây ở Ukraine; cuộc chiến chống IS ở Trung Đông – Bắc Phi; vấn đề hạt nhân gây tranh cãi ở Iran, Triều Tiên; bất ổn ở Biển Đông, biển Hoa Đông… đã có những tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do đã trải qua giai đoạn tăng trưởng “nóng” thậm chí “quá nóng”, nay theo quy luật tự nhiên nó đòi hỏi phải cân đối lại. Mặt khác, nhu cầu bên ngoài yếu dẫn đến xuất khẩu giảm, nguồn vốn FDI quốc tế chảy vào nước này cũng giảm mạnh, bất động sản suy yếu trầm trọng, bong bóng tín dụng tăng lên, nguy cơ rủi ro lớn, nhất là nợ công và nợ trong lĩnh vực “ngân hàng mở” mức doanh thu và tiêu dùng trong nước bị chững lại.

Còn với EU thì nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng nợ công đã quá kéo dài, các công cụ tài chính nhất là chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã không phát huy hiệu quả. Mặt khác quan trọng hơn là EU lại buộc phải lao vào cuộc chiến Đông – Tây theo sự chỉ huy từ Mỹ trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, mà trực tiếp là hiệu ứng hai mặt của cuộc chiến thương mại với Nga, thông qua trừng phạt kinh tế lẫn nhau.

Kể từ tháng 6/2014 đến nay, giá dầu mỏ đã giảm tới 40% xuống mức 60 USD/thùng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì sự kiện giá dầu thế giới giảm mạnh chính là cú shock kinh tế lớn nhất năm nay.

Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2014

Theo WB và IMF, kết thúc năm 2014, Mỹ vần là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 17,5 nghìn tỷ USD và thu nhập bính quân 52.800 USD/người/năm.

Sau Mỹ là Trung Quốc với GDP khoảng 10 nghìn tỷ USD nhưng thu nhập bình quân chỉ là 9.800 USD, xếp thứ 121 trên toàn thế giới.

Đứng thư ba vẫn là Nhật bản với GDP đạt 4,8 nghìn tỷ USD, nhưng thu nhập bình quân là hơn 37.000 USD/người/năm.

Tiếp theo là kinh tế Đức (3,9 nghìn tỷ USD), Pháp (2,9 nghìn tỷ USD), Anh (2,8 nghìn tỷ), Brazil (2,2 nghìn tỷ), Italy (2,2 nghìn tỷ), Nga (2,1 nghìn tỷ) và Ấn Độ (2 nghìn tỷ).

Nguyễn Chiến