|
Sau một giai đoạn suy thoái ngắn, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh minh họa |
Báo cáo công bố vào quý II của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều biện pháp kích thích tài chính trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 5/2009 làm dịu tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam. Với bản chất của hệ thống đưa ra quyết định là dựa trên đồng thuận, Chính phủ đã phê duyệt các chính sách trên cơ sở từng bước một ở từng thời điểm để đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách này, hơn là chờ có được sự thỏa thuận cho một gói các biện pháp.
Sau một giai đoạn suy thoái ngắn, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa kể từ quý II/2009.
Báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ ngày 3/12 ghi nhận: “Chúng tôi xem xét sự phục hồi tăng trưởng và các quan điểm chính sách tổng thể như là điều kiện quy nạp để Việt Nam quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao hơn”.
“Nền kinh tế Việt Nam được "giải cứu" bởi gói kích thích trị giá 147.000 tỷ đồng (8,6 tỷ USD), đang phục hồi sau khi cuộc suy thoái toàn cầu đã thực sự thử thách “dũng khí” của các nhà quản lý kinh tế đất nước. Sự tăng trưởng tích cực đã được dự báo cho năm 2010”. Đó là đánh giá của Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi.
Theo ông Konishi, suy thoái kinh tế là một thử thách đối với nhà chức trách, hơn 20 năm sau khi cuộc cải cách kinh tế bắt đầu bằng chính sách ''Đổi mới'' (năm 1986) và đánh dấu sự khởi đầu của con đường phát triển lâu dài. Tăng trưởng kinh tế đã mang lại thành quả lớn lao. Năm 1993, gần một nửa dân số Việt Nam có mức sống dưới mức nghèo. Kể từ đó, thu nhập bình quân đã tăng hơn gấp đôi, đẩy tỉ lệ nghèo xuống dưới 20%.
Cùng quan điểm với đại diện ADB, Trưởng đại diện của Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam Clive Randall nhận xét, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng hành động nhằm làm dịu bớt mối đe dọa kinh tế. ''Họ kiểm soát chính sách tài chính theo một cách thức rất gây ấn tượng, và điều đó đã có tác động làm cho lạm phát giảm xuống một mức có thể quản lý được. Họ đang thoát ra khỏi chu kỳ nhanh hơn so với một số nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, thậm chí cả trên thế giới. Do đó, có thể nói rằng họ đã làm được một công việc rất tốt (trong quản lý suy thoái)'', ông Clive Randall cho biết.
Giám đốc điều hành Công ty Lắp máy Leighton của Australia khẳng định ''rất nhiều công ty nói rằng hãy nhìn vào Việt Nam, tình hình ở đó tốt như hồi trước tháng 9/2008''.
Hãng đánh giá tín dụng toàn cầu Standard & Poor's (S&P) tháng 9/2009 công bố báo cáo, trong đó nhận xét: Phản ứng của Chính phủ Việt Nam với tình trạng phát triển quá nóng trong năm 2008 đã giúp Việt Nam giành lại niềm tin của các nhà đầu tư sau những khó khăn của nửa đầu năm 2008. Thay vì ngừng công cuộc cải tổ kinh tế thực hiện trong những năm gần đây như một số người lo ngại, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế. Việt Nam cũng đã sử dụng các công cụ chính sách truyền thống mạnh mẽ để giải quyết những bất cân bằng kinh tế vĩ mô.
Khi đối mặt với tình trạng phát triển nóng, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sự sẵn sàng thực hiện các biện pháp cứng rắn để ổn định nền kinh tế. Những biện pháp này gồm cả việc thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ, bất chấp phản ứng từ các doanh nghiệp trong nước.
|
Tăng trưởng kinh tế đã mang lại thành quả lớn lao, tỷ lệ người nghèo hiện xuống dưới 20%. Ảnh minh họa |
Cùng với việc ổn định nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực tự do hóa nền kinh tế. Thực hiện những cam kết WTO của mình, Việt Nam đã cấp phép cho một loạt chi nhánh địa phương của các ngân hàng nước ngoài. Trần sở hữu đối với một đối tác đơn nước ngoài tại các ngân hàng cổ phần cũng đã được nâng lên 20%, cao hơn mức 15% trước đây. Giới hạn sở hữu 49% đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại các công ty nội địa trước đây được áp dụng cho các công ty đã niêm yết nay cũng được mở rộng tới cả các công ty không niêm yết. Mức hạn chế 3% lao động nước ngoài làm việc tại các công ty trong nước cũng đã được dỡ bỏ.
Trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự lo lắng của các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo với các nhà đầu tư để trả lời những thắc mắc của họ. Nhận thức rằng thiếu thông tin trong lĩnh vực ngân hàng là một vấn đề quan ngại lớn của các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu phát hành các bản tin bằng tiếng Anh hàng tuần và hàng tháng về sự phát triển của ngành Ngân hàng.
Chính phủ Việt Nam cũng đã làm mới động lực chống tham nhũng của mình trong năm 2009 nhằm phản ứng lại sự đình chỉ nguồn vốn ODA của Nhật Bản cuối năm 2008. Tháng 5/2009, Chính phủ Việt Nam ra quyết tâm thực hiện Chiến lược quốc gia về chống tham nhũng tới năm 2020. Việt Nam cũng có ý định phê chuẩn Công ước LHQ về chống tham nhũng”.
Tiến sĩ Trần Lê Anh, Giáo sư Đại học Lasell, bang Massachusetts, ghi nhận: Việt Nam phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một định hướng đúng. Với dân số tương đối trẻ và khoảng 87 triệu dân thì thị trường Việt Nam không phải là nhỏ. Tuy nhiên, đây cần phải là chiến lược lâu dài chứ không phải là giải pháp tình thế. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần giải quyết tốt vấn đề chất lượng cũng như các kênh phân phối hàng hóa và Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc các công cụ pháp lý để đẩy lui các mặt hàng nhập khẩu bất hợp pháp.
Tờ Thời báo Tài chính ngày 25/11 dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng quyết định của Việt Nam nới rộng biên độ tỷ giá giữa đồng nội tệ (VND) với đồng USD trong một nỗ lực nhằm giảm lạm phát và chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài trong một số tuần qua tạo ra sức ép ngày một gia tăng đối với tiền VND, sẽ mang lại hiệu quả tích cực trung hạn. Quyết định này là tích cực bởi vì nó sẽ loại bỏ những yếu tố bất ổn định mà các thị trường không nên có.
Các tổ chức đánh giá rủi ro quốc tế như S & P hoặc Moody's cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã có một phản ứng chính sách mạnh mẽ nhằm giúp ổn định nền kinh tế và giảm thâm hụt thương mại. Tính đến tháng 10/2008, chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu giảm tính theo tháng. Thâm hụt thương mại cũng giảm mạnh.
Nhận xét về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, S&P cho rằng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam sẽ ở mức 7,0-7,5%. Các công cuộc cải tổ kinh tế tiếp tục được thực hiện sẽ thu hẹp ngăn cách giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển hơn. Đặc biệt, S&P tin rằng những trở ngại liên quan đến bộ máy chính quyền mà các nhà đầu tư tư nhân phải đối mặt sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tờ The Economist- tạp chí uy tín số 1 về kinh tế - chính trị quốc tế (nước Anh) trung tuần tháng 9/2009 dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tích cực trong vài năm tới; đồng thời nêu gợi ý Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi danh sách các nước nghèo nếu cải tổ cơ bản để vươn lên thành một nền kinh tế "đa dạng hơn, giàu có hơn". Và Việt Nam "có thể trở thành" nền kinh tế như vậy.
Nguyễn Chiến