Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra ngày 7/10, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính riêng miền Bắc, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, công tác cấp điện đã tác động đến 6,4 triệu khách hàng trên tổng số 13 triệu khách hàng.
Ngành điện là một trong những đơn vị chịu thiệt hại rất nặng do bão số 3. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan, đến nay, ENV đã thông điện trở lại cho 100% khách hàng.
"Hiện, ngành điện đang tiếp tục củng cố lưới điện để kiên cố hoá", ông Đặng Hoàng An cho biết.
Cũng theo lãnh đạo ngành điện, trong tháng 9 do ảnh hưởng của bao Yagi nên tăng trưởng của ngành điện chỉ đạt 5,9%, tuy nhiên tính chung 9 tháng, mức tăng trưởng này rất cao, gần 11%.
Các thành phần kinh tế, tiêu thụ điện tăng trưởng cũng cao, công nghiệp xây dựng tăng 11,07%, quản lý tiêu dùng dân cư tăng 11,03%, thương mại dịch vụ tăng 12,7%.
Về đầu tư xây dựng, trong năm nay, Tập đoàn có kế hoạch đầu tư 101.000 tỷ đồng, sau 9 tháng đã giải ngân được 64.700 tỷ (chiếm 63%); đã khởi công 68 dự án và hoàn thành 84 dự án thấp biến áp từ 110 kV đến 500kV.
EVN cũng đang tập trung cho các nguồn điện quan trọng như Ialy mở rộng, dự kiến 2 tổ máy sẽ phát điện trong tháng 11,12 năm nay; Hoà Bình mở rộng sang năm tới sẽ phát điện, dự kiến hoà lưới điện vào tháng 8/2025.
Về sản xuất kinh doanh, toàn Tập đoàn đã nộp ngân sách 9 tháng là 18.000 tỷ đồng. Trong quý 4, Tập đoàn đang chuẩn bị phương án cung ứng điện từ nay đến hết năm với tăng trưởng cao. Các hồ thuỷ điện tập trung thực hiện tích nước và tổ chức bảo dưỡng các tổ máy…
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, 9 tháng đầu năm trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới hết sức phức tạp, thiên tai bão lũ khốc liệt nhưng tình hình kinh tế xã hội trong nước 9 tháng đầu năm đã đạt được mức tăng trưởng cao và ổn định.
Trong đó, công nghiệp thương mại phát triển rất mạnh, góp phần quan trọng và quyết định cho tăng trưởng kinh tế, nổi bật là công nghiệp phục hồi rõ nét, đạt mức tăng trưởng rất cao, chỉ số công nghiệp trong 9 tháng tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, chỉ số phát triển công nghiệp tăng ở tất cả các địa phương trên cả nước, nhiều địa phương tăng ở mức 2 con số và ổn định trong nhiều tháng.
An ninh năng lượng được đảm bảo, đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào, nguồn cung điện, xăng, dầu được bảo đảm được đời sống, sản xuất của người dân.
Thị trường trong nước tiếp tục xu hướng tăng và đạt mức tăng trưởng khá cao, ổn định từ đầu năm, mặt bằng giá cả cơ bản ổn định,
Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước là khoảng 580 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, hàng xuất khẩu ở nước ta tăng ở tất cả các mặt hàng, xuất khẩu khu vực của doanh nghiệp trong nước tốc độ tăng gấp gần 2 lần so với kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Cán cân thương mại đến thời điểm này xuất siêu khoảng gần 21 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu của năm, ngành công thương đề nghị các cấp, ngành, các địa phương cần triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhất là cơ chế hỗ trợ về khoanh, khoán nợ, cho vay vốn, lãi suất ưu đãi thuận lợi, giãn nộp thuế, hỗ trợ vốn cho cây trồng, vật nuôi cho các địa phương để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục phát huy vai trò tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy triển khai các dự án lớn, trọng điểm, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, đồng thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.
Tập trung cao trong việc tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và bất động sản.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai các dự án theo quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, trong đó có 2 lĩnh vực của ngành công thương là quy hoạch năng lượng và quy hoạch khoáng sản.
Nâng gói hỗ trợ tín dụng về thuỷ sản và chế biến gỗ lên 60.000 tỷ, mở các gói tín dụng mới, giảm lãi suất
Đối với lĩnh vực ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước chia sẻ, thời gian gần đây, tình hình lạm phát trên thế giới đang giảm dần về mức mục tiêu, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu có xu hướng lới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt Fed đã có điều chỉnh giảm lãi suất 0,5% sau rất nhiều tháng cân nhắc, thận trọng.
Chỉ số USD mặc dù vẫn tăng so với đầu năm, tuy nhiên áp lực đã dịu bớt, tạo thuận lợi cho chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Đối với kinh tế trong nước, bà Hồng cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Tuy nhiên, động lực tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều và phản ánh qua tổng mức bán lẻ loại trừ, giá chỉ tăng 5,3% - thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8%).
Lạm phát được kiểm soát khá ổn định, khả năng đạt được mục tiêu của năm 2024. Đồng thời, đảm bảo bình quân lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,5%, đồng VNĐ mất giá khoảng 1,66% - đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã tích cực đẩy mạnh tín dụng, đến 30/9, tín dụng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái tăng 16%. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gói hỗ trợ về thuỷ sản và chế biến gỗ đã nâng từ 30.000 tỷ lên 60.000 tỷ, các tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất.
Hiện nay, có 30/45 các tổ chức tín dụng đăng ký, tổng giá trị các gói là 405.000 tỷ, lãi suất sẽ giảm từ 0,5-2%...
Ngành ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng sau một giai đoạn dài khó khăn. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, do 98% doanh nghiệp ở nước ta là nhỏ và vừa, vì vậy cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó tạo khơi thông dòng vốn tín dụng.
Đối với ngành dầu khí, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, ngành dầu khí đã duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và khắc phục kịp thời sự cố do ảnh hưởng của bão Yagi.
Kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng của PVN, ngoại trừ chỉ tiêu sản xuất điện không hoàn thành kế hoạch do huy động đối với điện khí vẫn còn thấp so với kế hoạch thì các chỉ tiêu về sản xuất đều đạt vượt kế hoạch từ 1,7-27,3%.
Đặc biệt, các chỉ tiêu trọng yếu như khai thác dầu thô đạt 7,43 triệu tấn và đạt 20,7% so với kế hoạch, khai thác khí, sản xuất xăng dầu đều vượt xa kế hoạch.
Qua đó, các chỉ số về tài chính, kinh doanh, đầu tư và xuất khẩu của PVN tăng khá cao so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của Tập đoàn trong 9 tháng đạt 737.000 tỷ đồng, đã hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 12% so với năm 2023.
Nộp ngân sách của toàn Tập đoàn đạt 115.000 tỷ, tăng 22% so với kế hoạch và vượt 9% so với năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch cả năm.
Về đầu tư, Tập đoàn đã triển khai đạt 23.400 tỷ đồng (64,3% kế hoạch), tăng 61% so với năm 2023, đặc biệt việc xuất khẩu trong 9 tháng đạt 2,1 tỷ USD. Trong cơ cấu xuất khẩu thì dịch vụ và các sản phẩm dịch vụ của PVN chiếm khoảng 700 triệu USD, góp phần hỗ trợ thị trường trong nước.
Mục tiêu của quý 4 và năm 2024, PVN sẽ đảm bảo ổn định cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho ngành y tế, đảm bảo tổng doanh thu đạt trên 950.000 tỷ đồng và sẽ vượt năm 2023, đồng thời tăng cường kinh doanh quốc tế và xuất khẩu.
Nộp ngân sách phấn đấu đạt cao hơn năm trước (năm trước là 151.700 tỷ đồng). đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tích cực hơn các hoạt động an sinh xã hội.
Lãnh đạo Tập đoàn PVN cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét để thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nhiều cơ chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng ngoài khơi.
Hiền Minh