Thu ngân sách đảm bảo các nhiệm vụ chi
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 1/2012 tiếp tục ổn định và có những chuyển biến tích cực; nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, đầm ấm, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên trong tháng 1 là công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, sức mua… chậm lại; tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng còn nghiêm trọng; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp… Đây là những vấn đề mà các Bộ, ngành cần hết sức chú ý, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để khắc phục.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, vì có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và thực tế thời gian làm việc của tháng 1 chỉ có 20 ngày, cộng với những khó khăn của sản xuất – kinh doanh, nhất là các DN thuộc các ngành trọng điểm như ô tô, sắt thép, xi măng… nhưng “mức thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt kế hoạch của tháng, đảm bảo cân đối dòng tiền. Nhìn chung, nền kinh tế đã có sự tăng trưởng hợp lý và đó là một phần của ổn định kinh tế vĩ mô”.
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng. Ước tính tổng thu bằng 8,3% dự toán năm và vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chi, đặc biệt là các yêu cầu chi tiền lương và có tính chất tiền lương, các khoản an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng chi ước đạt 65,4 nghìn tỷ đồng (bằng 7,2% dự toán năm) với 11,4 nghìn tỷ đồng chi vốn đầu tư phát triển (bằng 6,3% dự toán năm).
Điều đáng mừng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 có tăng nhẹ so với mức tăng chỉ số giá trong 5 tháng qua, song lại là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây. Nếu CPI tháng 12/2010 là 1,36%; tháng 1/2011 là 1,75% thì CPI tháng 1/2012 chỉ tăng 1% do nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng ở một số mặt hàng như may mặc, giày dép, thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011 (đạt 191 nghìn tỷ đồng).
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đây là kết quả của việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 3/1/2012) của Chính phủ và Chỉ thị số 2051/CT-TTg (ngày 16/11/2011) của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Sản xuất, kinh doanh của các DN tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 ước giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ưu tiên đầu tư cho sản xuất nông nghiệp
Nhận định năm 2012, kinh tế thế giới còn khó khăn hơn, trong nước bên cạnh những thuận lợi thì hạn chế, yếu kém phải giải quyết còn nhiều, Chính phủ thống nhấn tiếp tục nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra bằng các công cụ kinh tế, bằng sự nỗ lực chung của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ cho rằng, trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm tới việc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong đó có tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động; giảm lãi suất theo xu hướng giảm dần của lạm phát.
Do vậy, trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đi liền với đó là duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh; giữ được tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn liền với chỉ đạo triển khai quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế.
Với tinh thần đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát thực tiễn, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề cao tinh thần trách nhiệm; năng động, sáng tạo, phát huy các lợi thế; triển khai quyết liệt nhiệm vụ theo chức năng của mình;… thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012.
Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành chức năng phải thực hiện cho được mục tiêu giữ lạm phát ở mức 1 con số trong năm 2012. Đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng, giải quyết một cách căn cơ vấn đề này ngay từ trong quý I/2012. Chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm lãi suất ngân hàng theo chiều hướng giảm dần của lạm phát; giữ vững sự ổn định về tỷ giá, kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, cương quyết thực hiện chủ trương giá thị trường đối với than, điện… theo lộ trình hợp lý.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thúc đẩy hoạt động phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên số 1 là phát triển sản xuất nông nghiệp, bởi đây là một ngành có vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo tăng trưởng; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất công nghiệp, đánh giá đúng thực trạng khó khăn trong phát triển của ngành công nghiệp. Trong phát triển công nghiệp, hết sức lưu ý đến các dự án lớn, nhất là các dự án về phát triển điện năng.
Mặc dù tập trung vào mục tiêu phát triển và ổn định nền kinh tế, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, không được bất kỳ lúc nào sao nhãng công tác giảm nghèo… nhấn mạnh, trong hoàn cảnh càng khó khăn càng phải đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội, công tác đảm bảo an toàn giao thông; phát triển y tế, giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng; thực hiện hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyên truyền, đối thoại với nhân dân, nhất là thông qua hình thức đối thoại trực tuyến nhằm tạo sự đồng sức, đồng lòng, đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Huy Anh