Ảnh minh họa |
Theo ước tính của các huyện, thành phố, do thời tiết năm nay có nhiều diễn biến thất thường nên tổng mức nhu cầu các mặt hàng thiết yếu cho mùa mưa bão năm 2012 sẽ lớn hơn mọi năm.
Mặt hàng gạo có mức tạm trữ cao nhất với 859 tấn. Tiếp theo đó là các mặt hàng như: muối 37 tấn, nước mắm 13.250 lít, mì tôm 32.500 thùng, dầu lửa 48.700 lít, xăng dầu 31.000 lít, áo đi mưa 24.000 cái…
Để có căn cứ về lượng hàng hóa tạm trữ, các huyện, thành phố đã rà soát kỹ nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực, trong đó tập trung nhất là các hộ dân gần các khu vực sông, suối, lòng hồ, khu vực xung yếu.
Tại thành phố Kon Tum dự kiến sẽ có 11 doanh nghiệp, cửa hàng thực hiện tạm trữ hàng hóa, trong đó có 7 doanh nghiệp, cửa hàng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm; 4 doanh nghiệp, cửa hàng cung ứng các mặt hàng xăng dầu.
Tại các huyện, dự kiến lượng hàng hóa tạm trữ sẽ tập trung vào hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ huyện và Công ty Đầu tư Phát triển Nông-Lâm-Công nghiệp và Dịch vụ các địa phương và một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hàng hóa thiết yếu lớn đóng trên địa bàn…
Hiện nay, Sở Công Thương Kon Tum đã tích cực vận động các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh Kon Tum tạm trữ các mặt hàng thiết yếu nhằm tiếp ứng nhanh nhất đến những nơi bão lũ xãy ra.
Đồng thời, đơn vị cũng lên kế hoạch chỉ đạo Chi Cục quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, thực hiện niêm yết giá các mặt hàng thiết yếu theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, loại trừ các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình bão lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng gây bất ổn định thị trường…
Thanh Châu