Mới chỉ đầu mùa khô, nhưng lượng nước ở các hồ chứa đã thấp hơn cùng kỳ từ 30-40%... Kon Tum đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán khốc liệt.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tại tỉnh Kon Tum, năm nay hạn hán sẽ diễn ra khốc liệt và nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Kon Tum cho biết: “Vụ đông xuân 2010 - 2011, các huyện như Sa Thầy, Đăk Tô và nhiều vùng khác của tỉnh Kon Tum hạn hán có thể xảy ra rất nghiêm trọng, thiếu nước tưới, nước sản xuất và nước sinh hoạt. Đặc biệt, huyện Đăk Tô và Sa Thầy là 2 vùng mà trong năm 2010 lượng mưa rất thấp, chỉ đạt 40-60% so với cùng kỳ nhiều năm và thấp hơn nhiều so với năm 2009”.
Chỉ mới bắt đầu mùa khô, lượng nước trên dòng sông Đăk Bla, sông Pô Kô đã giảm thấp hơn so với cùng kỳ các năm từ 30-40%, đây là 2 dòng sông chính cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với điều kiện như thế này thì việc bảo đảm nước tưới trong vụ đông xuân 2010-2011 sẽ là nan giải. Đơn cử như huyện Sa Thầy, lúa đông xuân là vụ chính, chiếm đến 50% sản lượng lúa trong năm ở địa phương này.
Mặc dù UBND huyện đã chủ động công tác phòng, chống hạn hán như nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi, tưới nước luân phiên, bố trí giống cây trồng ngắn ngày, chịu hạn, nhưng mực nước tại các sông, suối, hồ chứa đang ở mức thấp báo động nên 75ha ruộng nước phải chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày hoặc bỏ hoang. Ông Trần Lệnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy - cho biết: “Vụ đông xuân dự kiến đưa vào sản xuất 97ha, nhưng mới bắt đầu mùa khô địa phương đã mất 10ha do thiếu nước tưới. Địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nước tưới, bảo đảm nguồn lương thực trong năm tới”. Còn ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã Sa Bình, huyện Sa Thầy - thì trăn trở: “Xã Sa Bình có 66ha lúa nước, nhưng bây giờ giảm 19ha do không có nước tưới, ruộng ven suối đứt mạch, không có nước tưới nên mất khoảng 10ha nữa. Tình thế này thì 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số như Khúc Na, Kà Bầy, Lung Leng, Bình Loong và những hộ nghèo trên địa bàn xã đứng trước nguy cơ thiếu đói lúc giáp hạt”.
Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán sắp diễn ra trên địa bàn, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán. Theo ông Văn Tất Cường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, nhất là có biện pháp tận dụng tối đa nguồn nước có được để phục vụ sản xuất nông nghiệp; điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng nguồn nước. Cty cổ phần khai thác và xây dựng thủy lợi Kon Tum triển khai sửa chữa các sự cố hư hỏng, khai thông các cửa lấy nước, huy động các lực lượng và nhân dân tham gia làm công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương...”. Song, đây chỉ là giải pháp phòng, chống hạn hán trước mắt, về lâu dài tỉnh Kon Tum cần có chiến lược bảo vệ và giữ rừng; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy; hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng để rừng góp phần tích nước và giữ nước...
M.T - L.Đ