In bài viết

Kon Tum quyết liệt đóng cửa rừng tự nhiên

(Chinhphu.vn) - Đóng cửa rừng tự nhiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong chuyến công tác tại Tây Nguyên hồi tháng 6 vừa qua. Xung quanh vấn đề này, phóng viên thường trú Báo điện tử Chính phủ tại miền Trung-Tây Nguyên đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa.

24/08/2016 11:25
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa.
Trong chuyến công tác tại Kon Tum vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý lãnh đạo tỉnh triển khai đồng bộ quyết định quan trọng của Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên. Xin ông cho biết ý kiến về chỉ đạo này?


Ông Nguyễn Văn Hòa: Rừng giữ vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng môi trường sinh thái, giữ nguồn nước, chống xói mòn rửa trôi. Tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tài nguyên rừng trên cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, duy trì và phát triển đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khai thác tài nguyên rừng bền vững phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là cần thiết bởi lẽ tài nguyên rừng là tài nguyên tái tạo nhưng điều kiện hạ tầng của tỉnh còn thấp, công nghiệp chế biến chưa phát triển ngang tầm với khu vực, gỗ khai thác chủ yếu là xuất gỗ tròn nên chưa tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, chưa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, từ đó tỉnh Kon Tum đã có chủ trương đóng cửa rừng từ năm 2004.

Trong thời gian qua, từ hệ lụy của việc suy giảm diện tích rừng, chất lượng rừng đã dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, điển hình như cơn bão số 9 năm 2009 và đợt hạn hán kéo dài năm 2015-2016 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, cơ sở vật chất, hạ tầng, trì hoãn sự phát triển kinh tế-xã hội và làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ trong thời gian đến nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, duy trì và khôi phục rừng, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên được xác định là giải pháp quan trọng, cấp thiết, hữu hiệu tại thời điểm hiện nay và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao trong xã hội.

Kon Tum có diện tích rừng lớn, trong đó có nhiều khu rừng nguyên sinh vô giá. Để triển khai quyết định của Thủ tướng, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể nào nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hòa: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ nhất, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT để triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ  đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016.

Thứ hai, thực hiện nghiêm Kết luận số 04-KL/TU ngày 13/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật và Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba, thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên theo Kết luận 97-KL/TW ngày 09/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha hiện còn rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh sang mục đích khác.

Thứ tư, thành lập các chốt, trạm liên ngành tại các địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra vi phạm để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, kiểm tra hoạt động các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm có giải pháp ổn định và sớm sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo quy hoạch.

Theo đó kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chế biến nằm ngoài quy hoạch; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở chế biến gỗ vi phạm; chủ trương thu hồi, không cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến lâm sản đối với các cơ sở không chứng minh được nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch.

Thứ năm, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến sâu rộng về nhận thức và hành động của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác tội phạm, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến về bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ sáu, rà soát lại lực lượng kiểm lâm, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân, vi phạm không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp (bao gồm cả diễn tập trên thực địa) giữa kiểm lâm với các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân tự vệ, biên phòng trong việc tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều phương án để bảo vệ và quản lý rừng. Ví dụ như thu hút các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các các chủ rừng, chủ đầu tư và người dân tham gia trồng rừng sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định cuộc sống, tạo việc làm và thu nhập ngày càng cao.

Kiểm lâm huyện Sa Thầy kiểm tra các cánh rừng.
Kon Tum sẽ có những khó khăn và thuận lợi nào khi triển khai các biện pháp để “đóng cửa rừng tự nhiên” một cách có hiệu quả?


Ông Nguyễn Văn Hòa: Kon Tum đã dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2004. Hiện nay, tỉnh chỉ khai thác tận dụng trên diện tích chuyển đổi sang mục đích khác, riêng Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô thực hiện khai thác theo phương án quản lý rừng bền vững từ năm 2011. Việc triển khai quyết liệt các biện pháp “đóng cửa rừng” kể cả tận thu, tận dụng trong điều kiện một tỉnh nghèo như Kon Tum, bước đầu sẽ gặp một số thuận lợi, cũng như khó khăn.

Thuận lợi nằm ở chỗ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, duy trì và khôi phục rừng, đặc biệt là tại Khu vực Tây Nguyên được xác định là giải pháp quan trọng, cấp thiết và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao trong xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2004 đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nền tảng cơ bản về cơ chế chính sách, các giải pháp liên quan đáp ứng được việc đóng cửa rừng tự nhiên. Do đó, khi triển khai một số nhiệm vụ mới quyết liệt hơn thì các lực lượng chức năng và các địa phương có thể  đáp ứng và thực hiện tốt chủ trương trên.

Bên cạnh đó, ở Kon Tum, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển nên nhu cầu đất ở, đất sản xuất kinh doanh tăng cao đã tạo áp lực lên tài nguyên rừng. Nhu cầu sử dụng lâm sản của xã hội ngày càng tăng, nhất là gỗ rừng tự nhiên, gỗ quý, trong khi gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế khác chưa đáp ứng được nhu cầu, do đó tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn còn diễn ra. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn không có khả năng để chấp hành quyết định xử phạt dẫn đến tính giáo dục răn đe còn hạn chế. Không những vậy, lực lượng bảo vệ rừng chưa đủ mạnh để triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao quản lý. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho cho các lực lượng bảo vệ rừng cấp xã còn thấp. Biên chế kiểm lâm địa bàn còn thiếu nhiều so với quy định của Chính phủ.

Tỉnh có những kiến nghị nào để thực hiện có kết quả quyết định của Thủ tướng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hòa: Để triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đề nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ địa phương kinh phí để triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sớm hướng dẫn việc xây dựng và triển khai hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng, đảm bảo đủ mạnh để triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên lâm phần được giao quản lý. Bố trí nguồn kinh phí phù hợp cho các lực lượng bảo vệ rừng cấp xã (Ban lâm nghiệp xã, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, lực lượng dân quân tự vệ) để chính quyền cấp xã thực hiện có hiệu quả trách nhiệm bảo vệ rừng.

Đề nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn và có cơ chế chuyển tiếp đối với các dự án đang thi công dở dang và giải quyết thỏa đáng đối với việc dừng các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai để bảo đảm quyền lợi và tránh gây bức xúc cho các nhà đầu tư...
Lê Minh Hùng (thực hiện)