Hiện nay, không ít người đã bị lừa đi lao động ở nước ngoài. Từ góc độ về trợ giúp pháp lý (TGPL), Ông cho biết Nhà nước có chính sách gì để bảo vệ quyền lợi cho những người này?
Ông Cù Thu Anh: Do trình độ nhận thức của một số người dân chưa cao hoặc do sự chủ quan, thiếu tìm hiểu về thông tin xuất khẩu lao động, quy định hợp đồng lao động, dễ tin tưởng vào những thông tin không chính thống, thiếu xác thực, những lời hứa hẹn dẫn đến việc họ rơi vào tình cảnh bị lừa khi đi lao động ở nước ngoài.
Như báo chí phản ánh trong thời gian qua có đối tượng lừa đảo thường làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký giả mạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hoặc Trung tâm lao động ngoài nước. Một số người dân không nghiên cứu, xem xét kỹ hợp đồng trước khi ký kết cho nên có thể một số nội dung của hợp đồng chưa bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của họ.
Người dân có vướng mắc pháp luật về lao động ở nước ngoài mà thuộc diện người được TGPL quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 (người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...) sẽ được tư vấn pháp luật liên quan đến việc ký kết các hợp đồng dịch vụ với các tổ chức có thẩm quyền đưa người đi lao động nước ngoài. Trong trường hợp họ bị lừa đảo, là nạn nhân hoặc có tranh chấp liên quan đến hợp đồng sẽ được Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Những người thuộc diện được TGPL sẽ không phải trả bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất nào khi nhận được sự TGPL đó. Đây là chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền được TGPL của người dân, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích của công dân, là bảo vệ quyền lợi hợp pháp những người dân nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội khi gặp vướng mắc trong các quan hệ lao động nói riêng và các quan hệ pháp lý có tính pháp lý nói chung.
Vậy, tổ chức và cá nhân nào thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ?
Ông Cù Thu Anh: Hiện nay mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp, dưới sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục TGPL (Bộ Tư pháp). Nhiều Trung tâm TGPL nhà nước có chi nhánh đặt tại huyện hoặc liên huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yêu cầu TGPL. Các Trung tâm TGPL nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý cho tất cả người thuộc diện được TGPL quy định tại Điều 7 Luật TGPL thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng.
Bên cạnh đó, còn có các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL hoặc ký hợp đồng với Sở Tư pháp. Các tổ chức này cung cấp dịch vụ pháp lý theo hình thức, lĩnh vực và diện người được TGPL theo nội dung đăng ký được Sở Tư pháp chứng nhận hoặc theo hợp đồng ký kết với Sở Tư pháp.
Làm thế nào để người dân có thể tiếp cận được với TGPL khi có nhu cầu, thưa ông?
Ông Cù Thu Anh: Người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để biết địa chỉ, số điện thoại của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL.
Người thuộc diện được TGPL có thể đến trực tiếp trụ sở của Trung tâm TGPL, Chi nhánh TGPL của Trung tâm, gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng của Trung tâm TGPL hoặc qua các dịch vụ bưu chính (thư, fax), các hình thức điện tử khác để gửi hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát)…, trụ sở tiếp dân của một số cơ quan hành chính (Ủy ban nhân dân cấp xã…) có bảng thông tin/hộp tin về TGPL, trong đó có địa chỉ, số điện thoại của tổ chức thực hiện TGPL.
Như vậy, người thuộc diện được TGPL có thể liên hệ bất cứ khi nào nếu có nhu cầu TGPL.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn (thực hiện)
(Còn nữa)