In bài viết

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 5/1

(Chinhphu.vn) – Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị vào chiều 4/1 và chính thức khai mạc vào sáng 5/1. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023).

03/01/2023 16:42
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 5/1 - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và lãnh đạo, đại diện một số cơ quan của Quốc hội chủ trì họp báo - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều 3/1, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.

Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Phối hợp chặt chẽ trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Có 28 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, tranh luận, 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản; về cơ bản, các ý kiến nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời, đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngày 29/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với đại diện Thường trực Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trì soạn thảo, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, một số cơ quan, tổ chức hữu quan để thống nhất các nội dung lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội về việc chưa xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Ngay sau kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại phiên họp thứ 18, ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở Báo cáo số 477/BC-CP ngày 07/12/2022 của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ kèm theo đầy đủ hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra đối với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Phiên họp thẩm tra ngày 16/12/2022 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Phiên họp thứ 18 ngày 21/12/2022.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu và giải trình toàn bộ các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ hai.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những nội dung chủ yếu như: Về phạm vi ranh giới quy hoạch; quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội đối với các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế, các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, vùng hạn chế phát triển, định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; định hướng phát triển không gian biển; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phân vùng và liên kết vùng...

Tạo cơ sở tiếp tục bảo đảm việc cung ứng thuốc

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong việc triển khai một số chính sách nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Đồng thời, tạo cơ sở tiếp tục bảo đảm việc cung ứng thuốc, sự ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Nghị quyết bao gồm các nội dung về: Đánh giá kết quả thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023; giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc...

Nguyễn Hoàng