Chiều 20/5, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, sâu rộng, hiệu quả Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong một bối cảnh mới cho đất nước.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, những dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Những dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí; xem xét, quyết định việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 Dự án: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; xem xét việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (trong đó có việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và nội dung liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh).
Liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách năm 2021, Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2021 có 7 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu NSNN đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP, thấp hơn dự toán là 4% (343,67 nghìn tỷ đồng); xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2% (số đã báo cáo Quốc hội là giảm 0,2-3,4%); tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,8% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 35-36%); tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 30% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 28-29%).
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Tuy nhiên, hạn chế cần nhìn nhận rõ còn có: Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, dự báo thu chưa sát, nợ đọng thuế tăng; thu từ cổ phần hóa đạt thấp; phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài; vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương giảm; giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch...
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, theo Báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2022 đạt khá, ước tăng 5,03% so với cùng kỳ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tính chung 4 tháng, nước ta có hơn 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; công tác phòng chống dịch, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, 4 tháng đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn; nguy cơ bùng phát dịch do các biến chủng mới vẫn hiện hữu. Giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ; các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn...
Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần lưu ý tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19; kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch trước khi phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu;...
Nguyễn Hoàng