In bài viết

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội: Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

(Chinhphu.vn) – Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

18/12/2023 18:55
Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội: Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn- Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hoàn thành khối lượng lớn công việc - Ảnh: VGP/ĐH

Tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào chiều 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp nối thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2023…

Các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Tại các phiên họp, đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; có 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn tại phiên họp chất vấn.

Thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng; sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội; sự tham gia, đưa tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả Kỳ họp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành Kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng khẳng định, Chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý. Việc tiếp tục tổ chức Kỳ họp làm 2 đợt họp tập trung với việc dành khoảng thời gian 9 ngày giữa 2 đợt họp đã giúp cho các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan có thời gian nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn thiện các dự án, dự thảo đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp. Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, không làm kéo dài thời gian Kỳ họp, nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.

Công tác điều hành của Chủ tọa các phiên họp khoa học, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, sát diễn biến thực tế, hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề trọng tâm; tạo được không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu.

Kết luận các phiên họp ngắn gọn, toàn diện, tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, hoàn thiện nội dung. Trong đó, công tác điều hành của Chủ tọa tại phiên họp chất vấn hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng nhóm lĩnh vực chất vấn, ngắn gọn, đúng trọng tâm và bảo đảm việc trả lời của Bộ trưởng, Trưởng ngành không sót nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội: Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn- Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/ĐH

Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu lên một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết. Tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng và hoàn thiện các dự án, dự thảo.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung vào các vấn đề nổi cộm, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Chú trọng hơn công tác giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành sau chất vấn.

Tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tiến hành chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể theo hướng lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề mang tính tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giám sát văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành các luật được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao trách nhiệm để thực hiện tốt công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau; khắc phục triệt để việc chậm tiến độ tài liệu.

Báo cáo khẳng định, trên cơ sở kết quả tổng kết kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và dư luận, cử tri cả nước để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.

Nguyễn Hoàng