Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội; các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6.
Về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 6, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp thu ý kiến của Chính phủ và một số cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự kiến nội dung như sau: Bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bổ sung 03 Báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về: Lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.
Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp (không ban hành Nghị quyết riêng).
Về dự kiến chương trình chi tiết, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó, không bố trí trình bày các báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 mà chỉ bố trí Quốc hội thảo luận nội dung này cùng với các nội dung về kinh tế-xã hội; bố trí Quốc hội thảo luận riêng tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ 7.
Đồng thời đề nghị, giữ nguyên tổng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 03 ngày; tách riêng việc trình bày các báo cáo hằng năm về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước với các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23/10 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt, cụ thể:
- Đợt 1 họp trong 15 ngày (từ ngày 23/10 đến ngày 10/11).
- Đợt 2 họp trong 7,5 ngày (từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11).
Về chuẩn bị tài liệu kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các nội dung, bảo đảm yêu cầu để kịp trình Quốc hội. Đến thời điểm này các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Mặc dù công tác chuẩn bị kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan hữu quan chuẩn bị từ sớm nhưng hiện nay vẫn còn tài liệu của 6 nội dung của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội xem xét, quyết định và 28 nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu vẫn chưa được gửi Văn phòng Quốc hội để gửi các vị đại biểu Quốc hội (có phụ lục kèm theo); nhiều báo cáo thẩm tra và một số báo cáo của Chính phủ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hơn nữa để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung, kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp.
LS