Cách đây 30 năm, ngày 07/11/1981 tại Thủ đô Hà Nội - trái tim thân yêu của cả nước đã long trọng diễn ra Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam . Đại hội là nơi hội tụ và biểu hiện ý chí thống nhất cao của 09 tổ chức, hệ phái với 165 đại biểu tham dự để đi đến việc hình thành và thống nhất một tổ chức Phật giáo duy nhất được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận, đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đại diện hợp pháp cho toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của các bậc cao tăng thạc đức, cư sỹ Phật tử qua các thế hệ và sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và to lớn trên tất cả các lĩnh vực, làm cho Đạo pháp xương minh, Giáo hội trang nghiêm và phát triển trong cộng đồng dân tộc, góp xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta.
![]() |
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm |
Nhìn lại chặng đường phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế trong 30 năm qua. Với tinh thần “Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, Tăng Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế cùng với đồng bào Phật giáo cả nước đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra là "Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội" và đạt được những thành tựu quan trọng qua các hoạt động. Về cơ cấu tổ chức: Hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được xây dựng, kiện toàn từ tỉnh, huyện đến cơ sở thông qua việc củng cố nhân sự các Ban chuyên trách của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ban đại diện Phật giáo các huyện, Ban hộ tự các Niệm Phật đường, các cơ sở trực thuộc của Giáo hội đã góp phần ổn định các sinh hoạt Phật sự tại địa phương và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo bà con Phật tử. Về chức sắc, tu sỹ của Giáo hội: ngày càng không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo đã tổ chức trên 10 Đại giới đàn để thọ giới cho hơn 01 ngàn đệ tử xuất gia và hơn 10 ngàn Phật tử tại gia - thọ lãnh giới pháp, tăng trưởng đạo lực và làm hành giả của Như Lai trong việc hoằng dương chánh pháp; Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trường Trung Cấp Phật Học Thừa Thiên Huế đã đào tạo hàng trăm tăng ni sinh viên trong và ngoài tỉnh theo học, trong đó có hàng chục vị đã tốt nghiệp và đang theo học Thạc sỹ và Tiến sỹ Phật học tại các nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.... Về xây dựng, sữa chữa cơ sở thờ tự: đã có hàng trăm ngôi chùa, tổ đình, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường được sửa chữa, xây dựng mới; trong đó, có nhiều cơ sở thờ tự đã được Giáo hội quan tâm, trùng tu tôn tạo khang trang, bề thế như: Tổ đình Từ Đàm, Tổ đình Thiền Tôn, Trung Tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Đài tưởng niệm Thánh Tử Đạo...và hiện nay đang tiếp tục triển khai, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng mới với quy mô lớn như: Trung tâm Du lịch tâm linh Quán Thế Âm tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; Học viện Phật giáo Việt Nam gần với tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế. Về hoạt động văn hóa lễ hội Phật giáo: tổ chức nhiều hoạt động lễ hội với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, có quy mô lớn như: Đại lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ hội Quán Thế Âm, Tuần Văn hóa Phật giáo, biễu diễn văn nghệ, tổ chức triển lãm tranh ảnh, di sản văn hóa Phật giáo, giao lưu nói chuyện của các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước liên quan truyền thống văn hóa Phật giáo…đã thu hút hàng vạn tín đồ Phật tử tham gia. Thông qua các hoạt động này đã góp phần tô điểm và quảng bá hình ảnh Huế là vùng đất đã được UNESCO công nhận có 02 di dản văn hóa của thế giới: Văn hóa vật thể và Văn hóa phi vật thể, để các du khách thập phương trong và ngoài nước biết đến và thưởng ngoạn...
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Bình trao Bằng khen cho các tập thể |
Song song với các hoạt động kể trên, từ sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã cùng với chính quyền, nhân dân tích cực tham gia công cuộc xây dựng xã hội mới. Nhiều chức sắc Phật giáo tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, UBMTTQVN các cấp; tích cực hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tham gia các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và những giá trị về đạo đức phù hợp với truyền thống của dân tộc; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cùng với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào: xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tham gia công tác từ thiện, xã hội, cứu trợ thiên tai bão lụt; xây dựng nhà tình nghĩa, dạy nghề cho các em khuyết tật.... với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Với những thành quả quan trọng của Giáo hội Phật giáo tỉnh, tại buổi lễ kỷ niệm này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 9 tập thể và 5 cá nhân xuất sắc của Giáo hội Phật giáo tỉnh.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trao Bằng khen cho các cá nhân |
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao bày tỏ vui mừng, tin tưởng và ghi nhận những thành quả Phật sự tốt đẹp và những đóng góp tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng trong suốt chặng đường 30 năm qua. Trên cơ sở nhất quán các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh làm tốt công tác Phật sự, thực hiện tốt đường hướng hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu tại buổi lễ |
Với sự quyết tâm và khí thế mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa thiên Huế nói riêng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao mong muốn rằng: Các Tăng Ni, Phật tử tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được trong 30 năm qua - đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng để xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo ngày càng vững mạnh xứng tầm với một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa Phật giáo, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế và đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến.