Chiến đấu bảo vệ cầu Giẽ năm 1968 |
Cầu Giẽ nằm ở địa đầu phía Nam huyện Phú Xuyên, trên quốc lộ số 1, tiếp giáp với huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội 42km. Đây là một cây cầu không lớn bắc qua sông Nhuệ. Cầu được xây dựng bằng sắt có đường bộ và đường xe lửa từ những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Tuy cầu không lớn nhưng có vị trí quan trọng, vì nó nằm ở cửa ngõ vào thành phố Hà Nội trên con đường giao lưu Bắc - Nam. Cuối tháng 12 /1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, quân dân ta đã phá hủy cây cầu này nhằm ngăn cản bước tiến của quân thù. Thực hiện kế hoạch mở rộng chiếm đóng đồng bằng, giữa năm 1950, thực dân Pháp đã đánh chiếm khu vực đồng bằng hữu ngạn sông Hồng, dựng lại cầu Giẽ nhằm nối thông quốc lộ số 1 từ Hà Nội xuống Phủ Lý và Nam Định.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), giặc Pháp đã xây dựng đồn bốt ở ngay đầu cầu Giẽ thuộc địa phận thôn Bài Lễ, xã Châu Can để bảo vệ vị trí giao thông trọng yếu này. Bọn giặc ở bốt cầu Giẽ đã gây bao tội ác đối với nhân dân các làng xã xung quanh. Nhưng chúng đã ăn không ngon, ngủ không yên, chịu nhiều tổn thất trước những đòn tiến công quân sự, những cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế, binh vận của quân dân Phú Xuyên mà trực tiếp là các xã xung quanh như Đại Xuyên, Phú Yên, Châu Can. Trên đoạn đường số I từ cầu Giẽ lên cầu Guột và từ cầu Giẽ xuống Đồng Văn luôn luôn diễn ra các trận đánh mìn, phục kích của bộ đội, dân quân du kích địa phương, gây cho địch nhiều tổn thất. Điển hình là trận phục kích ngày 15/5/1950, một đại đội bộ đội chủ lực phối hợp cùng du kích địa phương đã tiêu diệt và bắt sống một trung đội lính Âu - Phi, thu nhiều vũ khí, trong đó có 4 khẩu súng trung liên, 2 khẩu súng cối.
Ngay từ khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968), Tỉnh ủy Hà Tây trước đây đã chỉ đạo xây dựng cụm chiến đấu - sản xuất kết nghĩa Cầu Giẽ gồm lực lượng dân quân của các xã: Đại Xuyên, Châu Can và Phú Yên. Ngoài ra còn có đơn vị bộ đội pháo cao xạ và đại đội súng máy 12 ly 7 của bộ đội tỉnh. Cụm chiến đấu Cầu Giẽ do Huyện ủy Phú Xuyên trực tiếp lãnh đạo.
Từ tháng 7/1966, không quân Mỹ đánh phá cầu Giẽ rất ác liệt. Trong ngày đầu tiên 12/7, máy bay Mỹ bắn hàng chục quả đạn rốc két, ném 32 quả bom phá xuống cầu Giẽ. Các khẩu đội 12 ly 7 của bộ đội và dân quân, tự vệ đánh trả quyết liệt. Khi tiếng bom vừa dứt, đội bảo đảm giao thông của huyện cùng đơn vị công binh đã khẩn trương sửa cầu, lấp hố bom. Đêm 12/7, Ủy ban hành chính tỉnh huy động 1.320 dân quân, tự vệ vận chuyển 2.500 mét khối đất đá, tu sửa hầm hào, làm thêm hai trận địa 12 ly 7 để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu.
Những ngày tiếp theo 13, 14 và 15/7/1966, máy bay Mỹ thay nhau quần lượn ném bom xuống cầu Giẽ. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm dưới bom đạn giặc như các đồng chí: Tạ Văn Bắc, Giang Hồng Tư, Lê Gia Nghi… Chỉ trong 3 ngày, 7 máy bay Mỹ bị bắn rơi khi chúng đánh vào cầu Giẽ. Đây là đợt oanh tạc dữ dội nhất trong năm 1966. Tính chung những tháng cuối năm 1966, giặc Mỹ cho 316 lần chiếc máy bay ném 750 quả bom phá, 20 quả bom bi, bắn 43 quả tên lửa xuống khu vực từ cầu Giẽ đến Đỗ Xá.
Năm 1967, mức độ đánh phá của không quân Mỹ ở khu vực cầu Giẽ tiếp tục ác liệt. Chỉ riêng ngày 2/7, từ cầu Giẽ đến ga xe lửa Phú Xuyên chúng đã ném 188 quả bom.
Trước sự đánh phá ác liệt của giặc ở cầu Giẽ, ngày 3/7/1967, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Hà Tây tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly để bảo vệ trọng điểm này. Dân quân hai xã Châu Can, Đại Xuyên khiêng cả khẩu pháo nặng hàng tấn qua đồng lầy vào trận địa, kịp thời chiến đấu. Tỉnh đội còn điều hai trung đội du kích tập trung thuộc hai huyện Thạch Thất, Đan Phượng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Giẽ. Cán bộ tỉnh, huyện bám sát cụm chiến đấu cầu Giẽ để giải quyết kịp thời những yêu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Quân dân huyện Phú Xuyên tập trung cao độ ở cụm chiến đấu - sản xuất cầu Giẽ để đánh trả máy bay Mỹ, bảo đảm giao thông thông suốt. Hai mươi nữ du kích xã Phú Yên và đội nữ du kích của hai xã Châu Can, Đại Xuyên ngày đêm bám trận địa phục vụ chiến đấu, sẵn sàng thay pháo thủ khi có lệnh. Trung đội trực chiến xã Nam Triều hết lương thực nhưng không ai chịu rời trận địa. Hơn 750 quả bom bi rơi xuống đồng thôn Cổ Trai (xã Đại Xuyên) còn chưa nổ, dân quân đã thu nhặt hết để nhân dân yên tâm sản xuất. Cả nhà ông Đang ở Quán Thôn (xã Châu Can) tham gia tiếp đạn, cứu chữa thương binh. Nhà sư trụ trì chùa Giẽ Hạ mang tặng bộ đội hàng gánh bưởi, chuối, chanh quả và còn ủng hộ bộ đội hàng trăm cây tre để làm trận địa. Các em thiếu nhi xã Đại Xuyên, xã Châu Can tự thu góp 500 cân quần áo rách để bộ đội lau súng, lấy lá cây cho bộ đội, du kích ngụy trang trận địa…
Tinh thần phục vụ chiến đấu của nhân dân Phú Xuyên ở cụm cầu Giẽ đã khích lệ bộ đội, dân quân du kích “đánh giỏi bắn trúng”. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 12 đến 18-7-1967) cụm chiến đấu cầu Giẽ đã bắn rơi 5 máy bay giặc Mỹ. Bom đạn của Mỹ đào phá nhiều lần nhưng giao thông ở khu vực cầu Giẽ vẫn được giữ vững.
Ngày 29/1/1996, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên và xã Châu Can của huyện. Sau đó, ngày 28/4/2004, xã Đại Xuyên và xã Phú Yên của huyện Phú Xuyên cũng được nhận danh hiệu vẻ vang trên đây. Huyện và ba xã đều đã lập chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để ghi lại và biểu dương chiến công hào hùng, nhân dân huyện Phú Xuyên mong được thành phố cho xây dựng “Tượng đài chiến thắng cầu Giẽ” ngay tại khu vực trận địa chiến đấu năm xưa, xứng đáng là một di tích kháng chiến nhằm giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm cho các thế hệ mai sau.
Triệu Chinh Hiểu