Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người đã để lại cho Đảng ta và dân tộc Việt Nam những di sản tư tưởng to lớn. Điều cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Tháng 6 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn đã ký Hiệp định Patơnốt (6/6/1884) nước Việt Nam từ một quốc gia phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Phát huy truyền trống yêu nước nòng nàn, nhân dân từ Bắc chí Nam liên tiếp nổi dậy. Tiêu biểu cho ý chí quật cường dân tộc, miền Bắc có khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám; miền Trung có Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng; miền Nam có Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực.
Những thập niên đầu thế kỷ 20 có phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp theo huynh hướng tiểu tư sản, tư sản tiếp tục phát triển, đó là Đông du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang Phục Hội, khởi nghĩa Yên Bái ... Trước một kẻ thù mới là thực dân Pháp, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta tuy có gây cho chúng những tổn thất, khó khăn nhất định, nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Nhiều cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu. Tình hình đen tối như không có đường ra. Có thể nói xã hội Việt Nam lúc đó hoàn toàn bế tắc về đường lối cứu nước. Vì con đường giải phóng dân tộc của phong trào Cần Vương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều dựa trên cơ sở hệ tư tưởng phong kiến hoặc tiểu tư sản; sự nghiệp giải phóng dân tộc ấy bị thất bại vì không gắn liền với tiến bộ xã hội. Trên thế giới các cuộc cách mạng tư sản thành công nhưng không triệt để, theo cách nói của Bác Hồ là “cách mạng không đến nơi” nên không thể đi theo con đường đó được.
Nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện trước hết là: Xác định mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc là mục tiêu trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; hai giai đoạn ấy không có bức tường ngăn cách mà gắn bó chặt chẽ với nhau.
Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có 2 nhiệm vụ chiến lược: chống thực dân xâm lược và chống địa chủ phong kiến. Nhiệm vụ dân tộc và dân chủ quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên trên hết, trước hết, nhiệm vụ dân chủ cần thực hiện từng bước và phải phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tư tưởng trên đây được Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 và Người nhấn mạnh tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ VIII (khóa 1) tháng 5/1941.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao gồm cả nội dung dân tộc dân chủ. Không phải bất kỳ độc lập dân tộc nào cũng tạo cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải được thực hiện một cách triệt để “đến nơi”. Đó là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn không lệ thuộc vào bất cứ lực lượng nào cả đối nội lẫn đối ngoại. Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán sự lệ thuộc về mọi mặt của những chính quyền do thực dân cũ và mới lập nên ở Việt Nam. Người gọi đó là độc lập giả hiệu, độc lập kiểu Mỹ.
Để tạo cơ sở tiền đề cho việc tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với Việt Nam, một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn là độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đó là quan điểm nhất quán, mang tính nguyên tắc của Hồ Chí Minh vì nếu không duy trì và phát triển khối thống nhất đó thì không thể có độc lập dân tộc, càng không thể nói đến việc tạo cơ sở tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để tiến lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi độc lập dân tộc phải đi đôi với tự do hạnh phúc của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh :”Nếu nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”. CNXH là con đường bảo vệ và phát triển thành quả của độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Theo lôgic của sự phát triển, hai mục tiêu ấy quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể đi đến mục tiêu cuối cùng nếu không thực hiện được mục tiêu trước mắt. Chỉ thực hiện được mục tiêu cuối cùng mới bảo vệ và phát triển được thành quả của mục tiêu trước mắt. Vì vậy, nếu độc lập dân tộc tạo cơ sở , tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội thì chủ nghĩa xã hội là con đường tốt nhất để giữ vững và phát triển lên một tầm cao mới - thành quả của độc lập dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, ai cũng có công ăn, việc làm, được ăn no, mặc ấm, được học hành; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Về mặt phân phối sản phẩm lao động thì chủ nghĩa xã hội là ai làm nhiều, hưởng nhiều;ai làm ít hưởng ít; ai có sức lao động mà không làm thì không hưởng; những người già, đau yếu, tàn tật và trẻ em thì xã hội và cộng đồng có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng. Trong chủ nghĩa xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chính trị và kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm và ngày một nâng cao. Về mặt đối ngoại, chủ nghĩa xã hội là hòa bình, hữu nghị, làm bạn với tất cả các nước. Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho một nền độc lập dân tộc chân chính, mới giải phóng các dân tộc một cách thật sự, hoàn toàn.
Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ tạo nên sức mạnh to lớn của đất nước để giữ vững độc lập dân tộc. Mặt khác, để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hiện nay, trước hết chúng ta phải đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được Đại hội lần thứ XI của Đảng bổ sung, phát triển năm 2011.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn luôn được quán triệt vận dụng và phát triển một cách sáng tạo mang lại những kết quả rõ rệt, nổi bật là những thành tựu to lớn đã đạt được qua hai mươi lăm năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo./.
Cẩm Lệ