Theo quy định tại Nghị định số 180/NĐ-CP ngày 14/11/2013, trong thời hạn 12 tháng kể từ khi nghị định có hiệu lực thi hành, tức là hạn chót vào ngày 1/1/2015, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế phải đăng ký lại phạm vi kinh doanh lữ hành và bổ sung đầy đủ các điều kiện về kinh doanh lữ lành.
Sự thay đổi chính trong quy định mới là ở vấn đề tiền ký quỹ 500 triệu đồng cho doanh nghiệp kinh doanh mảng outbound (tổ chức tour cho khách du lịch trong nước ra nước ngoài) và cho doanh nghiệp được hưởng lãi suất thỏa thuận thay vì lãi suất không kỳ hạn như trước.
Trước đó, doanh nghiệp chỉ phải đóng 250 triệu đồng là được phép kinh doanh outbound lẫn inbound (đưa khách nước ngoài vào). Nay nếu chỉ kinh doanh inbound, doanh nghiệp không cần phải đóng thêm tiền ký quỹ, còn muốn làm cả hai lĩnh vực thì phải đóng thêm 250 triệu.
Theo luật, tiền ký quỹ phải gửi vào tài khoản ngân hàng, được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành.
Việc chậm trễ bổ sung điều kiện để cấp lại giấy phép là do doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, mãi đến ngày 20/11/2014 mới có Thông Tư số 34/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý tiền ký quỹ và đến ngày 15-1-2015, thông tư mới có hiệu lực.
Trước tình trạng rất nhiều công ty không đăng ký lại, ngày 14/1/2015, Tổng cục Du lịch đã có công văn cho gia hạn đến ngày 10/2/2015, nếu không sẽ thu hồi giấy phép cũ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thực hiện với lý do thời điểm gia hạn đăng ký lại đúng vào lúc công ty đang quá bận rộn với mùa kinh doanh Tết. Thực tế, nhiều công ty muốn “né” tiền ký quỹ. Đến nay, tổng cục vẫn chưa xử phạt hay có thông báo rộng rãi về việc những doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung sau ngày 10/2 sẽ được giải quyết ra sao.
Từ nhiều năm qua, câu chuyện về đóng hay không đóng tiền tiền ký quỹ vẫn là đề tài gây tranh cãi. Vấn đề chính khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn với tiền ký quỹ không chỉ ở lãi suất cao hay thấp mà ở chỗ nguồn quỹ này được sử dụng như thế nào cho hợp lý cũng như đảm bảo tính công bằng giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, phần lớn các công ty có giấy phép lữ hành quốc tế đều có kinh doanh mảng outbound, tức phải ký quỹ 500 triệu đồng. Trong số này, có rất nhiều công ty nhỏ, mỗi năm chỉ có một vài ngàn lượt khách nhưng lại phải đóng “tiền thế chân” (từ của một số doanh nghiệp) như những công ty có vài chục ngàn thậm chí cả trăm ngàn lượt khách thì không công bằng.
Về việc sử dụng nguồn tiền, doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị về lãi suất cho tiền ký quỹ vì khoản tiền gần như là tiền “chết” trong ngân hàng. Trong khi đó, nếu có sự cố phải bồi thường thì doanh nghiệp cũng không rút được tiền từ khoản ký quỹ mà phải tự bỏ tiền ra bồi thường hoặc phía công ty bảo hiểm chi trả.
Ký quỹ hay bảo hiểm?
Với một số sự cố từng xảy ra ở TPHCM, như một công ty du lịch bỏ khách ở Thái Lan hay doanh nghiệp đóng cửa bỏ trốn thì cũng chưa thấy cơ quan nhà nước dùng tiền ký quỹ để giải quyết. Một quan chức cho biết, việc rút tiền ký quỹ không đơn giản, đòi hỏi nhiều thủ tục, nhiều thời gian và nhiều cơ quan cùng tham gia đồng thuận nên chưa có tiền lệ sử dụng tiền ngay tức thì để giải quyết rắc rối trong kinh doanh.
Vì vậy, nếu mục đích ký quỹ là để dùng bồi thường cho khách khi có sự cố thì phải có cơ chế quản lý và sử dụng hợp lý, quy định rõ ràng trong trường hợp nào thì được rút tiền, khoản hao hụt sau khi rút ra sẽ được bù đắp ra sao, cơ quan nào có quyền quyết định rút tiền...
Một số nước đã lập ra một hội đồng để thực hiện việc này. Khi có sự cố cho khách du lịch nhưng công ty du lịch và ngân hàng không thể đi đến thỏa thuận chung thì hội đồng sẽ lấy ngay tiền từ ngân hàng để bồi thường cho khách.
Một số doanh nghiệp cho rằng, nếu muốn công bằng cho cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, cơ quan quản lý nên bỏ quy định về tiền ký quỹ mà thay bằng yêu cầu mua bảo hiểm hoạt động doanh nghiệp.
Phương thức này vừa nhanh vừa giúp cơ quan quản lý kiểm soát hoạt động thực tế của doanh nghiệp tốt hơn bởi các công ty bảo hiểm sẽ phải theo dõi sát hoạt động của các đơn vị mà họ bán sản phẩm, không công ty nào dám bán tiếp hoặc áp dụng mức phí bảo hiểm thấp với những nơi làm ăn không đàng hoàng, liên tục để xảy ra sự cố. Với việc mua bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tốt hơn khi gặp khó khăn trong kinh doanh, khách hàng cũng được hưởng lợi nhiều hơn.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn