In bài viết

Kỹ sư hàng không Viettel: Những sáng chế 'trăm tỷ' từ tinh thần 'thất bại thì làm lại'

(Chinhphu.vn) - Với 19 bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ tại Việt Nam và 4 bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ tại Hoa Kỳ, Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX) hiện nay là một trong những "thương hiệu" nổi bật về đổi mới, sáng tạo. Trong số những sáng chế của VTX có những giải pháp góp phần tạo nên thành công của Viettel trong phát triển hệ thống tổ hợp thiết bị quân sự công nghệ cao chưa từng có tiền lệ.

03/06/2022 15:47
Kỹ sư hàng không Viettel: Những sáng chế “trăm tỷ” từ tinh thần “Thất bại thì làm lại” - Ảnh 1.

Đầu năm 2016, VTX được giao trọng trách phát triển hệ thống tổ hợp thiết bị quân sự công nghệ cao - Ảnh: VGP/HM

Đầu năm 2016, VTX - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), được giao trọng trách phát triển hệ thống tổ hợp thiết bị quân sự công nghệ cao vốn được coi là "bất khả thi".

"Đây là lĩnh vực rất mới, khó và vô cùng phức tạp. Trên thế giới chỉ có một số quốc gia tiên tiến làm chủ công nghệ, nhưng họ tuyệt đối không chia sẻ. Trong khi đó kinh nghiệm của Việt Nam gần như không có gì", Trung tá Hoàng Văn Đức, Trưởng phòng Chính trị VTX nhớ lại.

Sáng tạo nhỏ giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Trong quá trình triển khai, một trăn trở lớn với các kỹ sư VTX là hoạt động thử nghiệm trên thực địa. Muốn thiết bị hoạt động chính xác phải thử nhiều lần để điều chỉnh. "Lý tưởng là mỗi khi có điều chỉnh các module thành phần có thể thử nghiệm ngay. Số lần thử có thể là hàng chục lần mỗi năm. Nhưng do các yêu cầu liên quan quá phức tạp, tốn kém nên việc thử nghiệm thực địa mỗi năm chỉ có thể được vài lần", Trưởng phòng phụ trách lĩnh vực động cơ Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, lực lượng hậu cần phải huy động lên đến hàng trăm người, hàng chục loại xe cộ, khí tài. Vì vậy, việc chuẩn bị phải tính bằng tháng. 

"Tốn thời gian, công sức, tiền bạc là vậy, nhưng kết quả thử nghiệm có thể rất 'hên xui'. Nhiều khi tính toán ở phòng thí nghiệm tối ưu, nhưng thực tế thiết bị hoạt động lại rất khác. Khi đó, tốt nhất là điều chỉnh rồi thử nghiệm lại luôn. Nhưng để thử nghiệm lại ngay cũng không dễ dàng"Thiếu tá Bùi Văn Đồng, Trưởng phòng Cơ cấu của VTX cho biết.

Từ thực tế này, các kĩ sư VTX quyết tâm phát triển một hệ thống mô phỏng giả lập để thử nghiệm như thật cho thiết bị. Một sản phẩm hoàn thiện được lắp ghép từ nhiều bộ phận khác nhau. Hệ thống mô phỏng sẽ giúp lấy các thông số của từng hạng mục của thiết bị. Đây là yếu tố quyết định tới sự hoàn thiện của sản phẩm cuối cùng.

Kỹ sư hàng không Viettel: Những sáng chế “trăm tỷ” từ tinh thần “Thất bại thì làm lại” - Ảnh 2.

Sau nhiều tháng xoay sở, thất bại thì làm lại, hệ thống mô phỏng cuối cùng đã được nhóm kỹ sư của VTX cho ra mắt - Ảnh: VGP/HM

Sau nhiều tháng xoay sở, thất bại thì làm lại, hệ thống mô phỏng cuối cùng đã được nhóm kỹ sư của VTX cho ra mắt. Hệ thống này cho phép các bộ phận thành phần của sản phẩm được trải qua các bước thử sai, điều chỉnh phù hợp. Nhờ hệ thống này, thiết bị được điều chỉnh liên tục, tạo ra thông số chính xác đạt chuẩn quốc tế.

Cụ thể, sau khi hệ thống mô phỏng đưa vào vận hành, hoạt động thử nghiệm luôn đạt trên 90% các yêu cầu đề ra. Sản phẩm hoạt động tốt ở tất cả các hệ thống thành phần.

"Trước khi có hệ thống này, mỗi lần thử nghiệm là mỗi lần chúng tôi trong tình trạng phập phồng lo lắng do sản phẩm khi ra tới nơi thử nghiệm luôn trong tình trạng không biết chắc chắn có hoạt động như ý muốn hay không. Nếu không có các sáng chế này việc phát triển sản phẩm cuối cùng có thể sẽ mất 15-20 năm, thậm chí lâu hơn", Trung tá Hoàng Văn Đức cho biết.

Sự kết hợp của hệ thống mô phỏng và sáng chế tái sử dụng động cơ đã giúp quá trình phát triển sản phẩm được rút ngắn đáng kể. Đặc biệt, tính đến nay các giải pháp này đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí nhập thiết bị, nhân lực, thử nghiệm…

Sáng chế thành công hệ thống mô phỏng và tái sử dụng động cơ "bạc tỷ" của nhóm chuyên gia VTX thực sự là một thành công lớn truyền nhiều cảm hứng, động lực cho các thành viên khác của dự án.

Sáng tạo từ những thất bại

Sau hơn 5 năm triển khai dự án, bắt đầu nghiên cứu gần như từ con số 0, nhưng đến nay, VTX đã làm chủ nhiều công nghệ quan trọng liên quan như tri thức tổng hợp về các ngành vật liệu, cơ khí, kết cấu, điều khiển. Trong lĩnh vực kết cấu thiết kế vật liệu, dự án đã đánh dấu một bước tiến xa trong lĩnh vực cơ khí chính xác của Việt Nam.

"Trong tổ hợp thiết bị này có những chi tiết phải đảm bảo chính xác đến mức 1/10, 1/100 mm, phải đảm bảo chịu tải trọng khắc nghiệt, hoặc các bề mặt vật liệu phải xử lý từ tính với yêu cầu khắt khe... Tất cả đều là những lĩnh vực mà Viettel phải có nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ, không thể mua lại hay chuyển giao. Đặc biệt sản phẩm hoàn thiện có sự góp mặt của trên dưới 5.000 chi tiết là một yêu cầu kỹ thuật rất cao", TS. Giang Thanh Hà, chuyên gia phụ trách bộ phận vật liệu chia sẻ.

Theo Trung tá Hoàng Văn Đức, những thành tựu mà đơn vị đạt được là kết quả của rất nhiều thất bại trước đó. 

"Chúng tôi thường nói với nhau, để dự án thành công, mỗi chuyên gia của VTX trước hết phải rèn cho mình năng lực chịu đựng thất bại. Điều này là một trong những giá trị cốt lõi của Viettel, đó là trưởng thành qua những thách thức và thất bại. Muốn đổi mới sáng tạo thì biết chấp nhận thất bại là rất quan trọng, vì nỗ lực để tạo ra các sản phẩm 'chưa có tiền lệ' với những công nghệ mới có rất nhiều rủi ro. Điều quan trọng là việc không ngừng học từ những thất bại để tiến lên phía trước", Trung tá Hoàng Văn Đức nhấn mạnh.

Hiền Minh