In bài viết

Kỳ thi quốc gia: Băn khoăn giữa an toàn và đổi mới

(Chinhphu.vn) – Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố 3 phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, đại diện các Sở GDĐT đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm và đưa ra lựa chọn mà họ cho là phù hợp, khả thi nhất.

31/07/2014 10:15
Nghiêm túc và trung thực là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của Kỳ thi quốc gia duy nhất. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Đức cho rằng đổi mới cách thi phổ thông mà không gắn liền với đổi mới cách tuyển đại học thì cũng không hiệu quả. Nhất là khi chúng ta đặt mục tiêu sử dụng kết quả thi phổ thông để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thực tế, hiện nay thi theo khối là không phù hợp, học sinh sẽ học lệch từ lớp 6, sẽ khó tổng hợp kiến thức một cách toàn diện.

Phương án bài thi tổng hợp và tích hợp có ưu điểm là tiếp cận rất sát với những định hướng đổi mới cách dạy và học theo hướng học tích hợp, liên môn.

“Thực tế luôn đi trước, thay đổi nhanh hơn tư duy quản lý, tôi cho rằng áp dụng đổi mới ngay năm 2015 là phù hợp, nếu chần chừ chúng ta sẽ làm chậm lại quá trình đổi mới giáo dục”.

Tuy nhiên, ông Đức còn băn khoăn khi chúng ta vẫn dạy và học theo cách cũ, chương trình sách giáo khoa chưa thay đổi, nếu áp dụng ngay phương án 2 (3 bài thi bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và chọn 1 bài thi tổng hợp KHTN hoặc KHXH) học sinh sẽ không kịp thích nghi. Do đó, ông đề xuất lộ trình phương án 1 (thi 4 môn tối thiểu (Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn) và có 4 môn thi bổ sung để xét tuyển ĐH, CĐ) chỉ thực hiện trong năm 2015, đến năm 2016 áp dụng phương án 2, 2018 thì áp dụng phương án 3 (4 bài thi tổng hợp tất cả 11 môn học ở lớp 12).

Chia sẻ quan điểm của ông Đức, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho rằng cả 3 phương án đều tốt, vấn đề là lộ trình áp dụng vì cần có thời gian chuẩn bị, vì liên quan tới 2 vấn đề quan trọng cơ bản là người ra đề thi và học sinh. Đây là 2 đối tượng phải được hướng dẫn trước cho quen với cách thức mới.

Đánh giá cao tính đổi mới của phương án bài thi tổng hợp nhưng theo ông Sơn, “để áp dụng phương án 2 sớm nhất cũng phải đến năm 2016. Vì điều kiện thành công của phương án này quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, chuyên viên cấp sở ra đề thi và chấm thi. Còn phương án thứ 3 sau khi tổ chức rút kinh nghiệm, có lực lượng ra đề tích hợp mới triển khai được”.

Ông Phan Thanh Bắc, Chánh Văn phòng Sở GDĐT Quảng Trị, bày tỏ sự nhất trí cao hơn với phương án 2 vì gần với định hướng đổi mới đang được Bộ GDĐT triển khai. Bên cạnh đó, việc đưa Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc sẽ tạo động lực học ngoại ngữ cho các em học sinh.

“Nếu mình bắt buộc học sinh phải thi, các em sẽ cố gắng học nhiều hơn và phù hợp với lộ trình đề án ngoại ngữ”, ông Bắc nhận xét.

Bên cạnh đó, cũng có những địa phương nghiêng hẳn về phương án 1 theo cách hiểu đây là phương án an toàn, đổi mới vừa phải.

Theo  Giám đốc Sở GDĐT Thái Nguyên Bùi Đức Cường, có 2 lý do để lựa chọn phương án 1. Thứ nhất là phù hợp với cách dạy và cách học hiện nay, gần với những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Do đó sẽ không gây xáo trộn lo lắng căng thẳng cho học sinh, thầy cô và xã hội. Đặc biệt, phương án này có thể thực hiện ngay trong năm 2015 mà không lo sớm hay muộn.

Thứ hai là cách ra đề thi năm 2014 của Bộ đã rất hợp lý, và có sự đổi mới nhất định. Đề thi vừa đảm bảo các yếu tố kiến thức cơ bản học sinh cần có, đảm bảo khả năng sáng tạo cho học sinh, không gò bó ép thí sinh theo đáp án khuôn mẫu cứng nhắc, và cho các em được tự do bày tỏ quan điểm.

Bình luận về 2 phương án 2, 3, ông Cường cho rằng để triển khai cần có thời gian chuẩn bị, thích nghi cho thầy và trò theo cách dạy cách học mới. Vì nếu thi theo bài tổng hợp hay tích hợp đều phải có sự chuẩn bị trong cách dạy tích hợp. Và phương thức, cách thức ra đề cũng phải có thời gian công bố.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét các phương án Bộ đưa ra lấy ý kiến đều có những điểm mạnh nhất định,  phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển. Đặc biệt, phục vụ cho việc đổi mới cách thức học, dạy, chuyển dạy học nặng về truyền thụ kiến thức sang rèn luyện kỹ năng.

“Tôi ủng hộ phương án 2, tổ chức 5 bài thi Văn, Toán, Ngoại ngữ bắt buộc, tự chọn 2 bài thi KHTN hoặc KHXH. Trong thời đại hiện nay cần có nền tảng phổ thông nên học tất cả chứ không bỏ cái này chọn cái kia.

Tôi chỉ không tán thành phương án 2 ở chỗ chúng ta cho tự chọn KHTN hoặc KHXH, vì kiến thức phổ thông là nền tảng cơ sở, do đó tất cả các kiến thức phổ thông đều cần thiết. Các em cần học gì thi nấy, chứ không học lệch thi lệch. Lộ trình tiến đến phương án 3 (với 4 bài thi tổng hợp tất cả các môn) là cần thiết”, GS Nguyễn Văn Minh nói.

Nguyệt Hà