In bài viết

Kỹ thuật trồng cà tím

22/03/2011 08:35

Quả cà tím
Cây cà tím thường được người nông dân ở tỉnh ta hay trồng, nhất là ở các vườn chuyên canh rau quả. Cây cà tím thích hợp ở nhiệt độ ban ngày từ 25-35 0 C, ban đêm 20-27 0 C. Đất trồng thích hợp nhất là đất thoát nước tốt, pha cát và không cao hơn 800 m so với mặt nước biển.
Cà tím có thể gieo trồng vào nhiều vụ. Vụ sớm: gieo hạt vào tháng 7,8 thu hoạch vào thánh 11, 12. Vụ chính: gieo hạt vào tháng 11, 12 thu quả tháng 3-5. Vụ muộn: giep hạt vào tháng 1, 2 và thu hoạch vào tháng 4-5.
Khi gieo ươm, bà con chọn đất tốt, giàu dinh dưỡng, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt. Làm đất nhỏ, tơi xốp và sạch cỏ. Lên luống bằng phẳng. Luống rộng 1 m, cao 20-30 cm. Phân chuồng hoai mục trộn đều trên mặt luống. Lượng hạt gieo 2g/m 2 . Khi cây con đạt 5-6 lá, bà con đem ra trồng.
Khi trồng, đất cần được xử lý trước với lượng vôi bột 900 kg/ha. Luống rộng 1,2m, cao 20-30 cm, rãnh rộng 30 cm. Trồng cây cách cây 60x70 cm, hàng cách hàng 60x60cm. Mật độ 20.000-22.000 cây/ha. Phân chuồng: 20.000 kg/ha cho bón lót. Urê: 300 kg/ha cho bón thúc 3 đợt (theo tỷ lệ mỗi đợt 30-35-35). Lân supe: 450 kg cho bón lót. Kali sulfat: 350 kg cho bón thúc 3 đợt (tỷ lệ mỗi đợt 30-35-35). Không nên dùng phân tươi và nước phân tươi để tưới, bón cho cây. Có thể dùng phân hữu cơ vi sinh hoặc các loại phân hữu cơ khác để thay thế phân chuồng với lượng bằng 1/3. Bón thúc lần 1 sau khi trồng 12-15 ngày (kết hợp với làm cỏ, xới xáo và vun nhẹ), lần 2 sau khi cây ra hoa rộ và lần 3 sau khi thu đợt đầu.
Sau khi trồng cần tưới nước đậm, bảo đảm đủ ẩm đến khi cây bén rễ hồi xanh. Độ ẩm thích hợp nhất trong suốt thời gian sinh trưởng của cây là 80%. Trong quá trình sinh trưởng của cây, có thể tưới theo rãnh (cho ngập 2/3 rãnh nước để nước ngấm đều khắp ruộng, sau đó cần tháo hết nước đọng ở rãnh). Sử dụng nguồn nước sạch để tưới (nước phù sa dẫn trực tiếp hoặc nước giếng khoan). Không dùng nước ao, tù, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước bị nhiễm bẩn chưa xử lý để tưới.
Sâu hại thường gặp ở cà là sâu xám, sâu đục quả, nhện tơ, bọ rùa, rệp trắng. Dùng thuốc Pegasu 500SC 0,1-0,2%, Ortus 5SC, thời gian cách ly 5-7 ngày. Các loại bệnh lở cổ rễ, đốm nâu, sương mai thì dùng thuốc Benlat C 50WP 0,1-0,2% (thời gian cách ly 7 ngày); Booc đô 1%, Zineb 80WP (thời gian cách ly 7-10 ngày). Cần hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tăng cường biện pháp phòng trừ tổng hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khi quả đạt tiêu chuẩn (hạt còn non) cần thu tỉa 5-7 ngày/lần. Loại bỏ quả sâu, quả vẹo, giập nát trước khi tiêu thụ.
Văn Nhiên
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh