![]() |
Búp bê vàng Ngân Thương |
Đến với thể thao, chính xác hơn là thể dụng dụng cụ từ năm 6 tuổi chỉ nhằm... khỏe hơn để đi học, nhưng chính Ngân Thương cũng chẳng thể ngờ rằng, 16 năm gắn bó với môn thể thao đầy khắc nghiệt này đã mang đến cho cô thật nhiều hạnh phúc, niềm vui và cả nỗi cay đắng tưởng chừng không thể vượt qua.
Là lứa tuyển thủ được đào tạo chuyên nghiệp theo kiểu "gà nòi" của Thể thao Hà Nội, sau gần 10 năm "luyện công" ở Trung Quốc, Ngân Thương tỏa sáng kể từ SEA Games 22 trên sân nhà với 1 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội môn xà lệch. Cũng kể từ đó, với khuôn mặt bầu bĩnh và vóc dáng nhỏ nhắn, cô được mệnh danh là búp bê vàng của thể thao Việt Nam qua thành tích giành 5 HCV trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp (từ SEA Games 2003 đến 2007) để trở thành VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử thể dụng dụng cụ nước nhà.
Cũng chính nhờ thành tích xuất sắc đó, Ngân Thương là VĐV Đông Nam Á duy nhất được mời tham gia thi đấu môn thể dụng dụng cụ tại Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng chính ở đỉnh cao sự nghiệp này, sự cố đã ập đến.
Theo kết quả kiểm tra doping của Ủy ban Olympic Bắc Kinh 2008 đối với Ngân Thương cho thấy cô dùng furosemide, một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân. Dù đó chỉ là sơ xuất cá nhân, nhưng cái giá phải trả thì thật đắt - Ngân Thương đã trở thành VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên bị trục xuất khỏi một kỳ Olympic vì sử dụng doping và phải nhận thêm án phạt cấm thi đấu 1 năm từ Liên đoàn thể dục thế giới.
Chính Ngân Thương sau sự cố này đã thừa nhận đó là cú sốc lớn và tưởng chừng như không thể vượt qua. Cô cũng từng tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao để chuyển sang công tác huấn luyện, nhưng...
Đến màn trở lại vinh quang
Tại SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia năm 2011, Ngân Thương trở lại mà nguyên nhân chính là sự hụt hẫng về lực lượng đỉnh cao khi đội tuyển quốc gia vẫn chưa có gương mặt đủ tầm thay thế. Kỳ tích đến cũng thật bất ngờ...
Dù đang bị chấn thương và không còn ở phong độ tốt, nhưng Ngân Thương vẫn đoạt 2 HCV, 1 HCB góp phần vào thành công vang dội nhất của thể dụng dụng cụ Việt Nam tại sân chơi SEA Games (giành 12 HCV). Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Thể dục thế giới thông báo cô đã chính thức có vé tham dự Thế vận hội 2012 nhờ thành tích sau giải tuyển chọn thế giới ở London (Anh) hồi tháng 1 đầu năm.
Chiến thắng để trở lại đầy ấn tượng bởi Olympic 2012 sẽ là kỳ Thế vận hội cuối cùng trong sự nghiệp của Ngân Thương khi đã bước vào tuổi 23, cái tuổi "quá già" với môn thể thao như thể dụng dụng cụ.
Có thể khó có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng thêm lần nữa, ý chí và nghị lực lại là điểm tựa cho búp bê vàng tại sân chơi thế vận hội khi cô vừa quyết định không lên bàn mổ để phẫu thuật chấn thương mẻ xương mắt cá trái. Đây là chấn thương mà Ngân Thương điều trị nhiều năm qua và suýt không thể tham dự SEA Games 26.
“Suốt 4 năm qua tôi đã nỗ lực không mệt mỏi mới có được như ngày hôm nay. Tôi sẽ không mổ bởi như thế sẽ mất cơ hội tham dự Olympic 2012, kỳ thế vận hội cuối cùng của tôi" - Ngân Thương khẳng định.
* Ngân Thương sinh ngày 10/3/1989 tại Hà Nội trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Khi 6 tuổi, thấy con gái hay ốm nên mẹ cô đã đưa cô vào Trung tâm Thể thao Quần Ngựa để tập luyện cho thêm cứng cáp. Nhờ thần thái tinh anh cùng độ dẻo dai trời phú, cô đã lọt “mắt xanh” của các nhà tuyển trạch. * Sự cố doping của Ngân Thương tại Olympic Bắc Kinh 2008 được ông Arne Ljungqvist, Trưởng ban Y tế của Ủy ban Olympic quốc tế đánh giá: "Đây không phải là lỗi cố ý của Ngân Thương mà có thể đây là hậu quả của việc thông tin nghèo nàn dành cho các VĐV". * Bằng sự trở lại đầy ấn tượng, Ngân Thương đã vinh dự được bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của Thủ đô Hà Nội và cũng là VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2011. |
Hoàng Hà