In bài viết

Kỳ tích trí tuệ Việt trong kỷ nguyên điện thoại AI của Samsung

(Chinhphu.vn) - Bằng việc chuyển giao AI – là công nghệ tiên tiến nhất và quan trọng nhất của tập đoàn cho các kỹ sư Việt Nam, Samsung đã giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam khi quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung trên toàn cầu.

10/04/2024 18:02
Kỳ tích trí tuệ Việt trong kỷ nguyên điện thoại AI của Samsung- Ảnh 1.

Tiếng Việt là một trong số 13 ngôn ngữ đầu tiên được AI hỗ trợ trên điện thoại thông minh S24 - Ảnh VGP/Nguyễn Đức

Những kỹ sư Việt Nam tài năng và niềm tự hào mang tên "Tiếng Việt"

Dòng điện thoại S24 hiện là sản phẩm quan trọng nhất của Samsung, có vai trò tiên phong khởi đầu kỷ nguyên AI trên thiết bị di động. Đồng thời, sự thành công của dòng điện thoại này đã mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp điện thoại trên toàn thế giới nói chung. Điều đặc biệt nhất là những sản phẩm điện thoại này không chỉ được sản xuất tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, mà còn có được nghiên cứu và phát triển bởi các kỹ sư Việt Nam.

Tháng 10/2023 là thời điểm mà Kỹ sư Trần Tuấn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu Language AI, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV) cho biết sẽ không thể quên trong cuộc đời của mình. Khi đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo Galaxy AI đang được phát triển cho dòng điện thoại Samsusng Galaxy S24 với kế hoạch ban đầu là những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp…,ban lãnh đạo tập đoàn Samsung đã quyết định bổ sung thêm tiếng Việt vào Galaxy AI.

So với các ngôn ngữ được lựa chọn trước đó dựa trên số lượng người dùng và độ phổ biến trên thế giới, tiếng Việt có số lượng người dùng ít hơn. Quyết định này là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển của Samsung. Cũng từ đây, câu chuyện về cuộc chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án AI Tiếng Việt của các kỹ sư Việt Nam bắt đầu.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam đã gấp rút tập hợp những nhân sự có kinh nghiệm về học máy (machine learning), học sâu (deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) từ các bộ phận khác nhau để thiết lập nhóm Nghiên cứu language AI.

"Em vẫn nhớ cảm giác vui mừng khi được chọn vào đội AI vì đây là lần đầu tiên Trung tâm tại Việt Nam nhận một dự án chiến lược liên quan đến AI. Đặc biệt hơn nữa, em cảm thấy vô cùng tự hào khi được phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt, là ngôn ngữ mẹ đẻ của quốc gia mình, trên dòng điện thoại hiện đại bậc nhất bây giờ là những chiếc smartphone S24", kỹ sư Trần Tuấn Minh nhớ lại.

Minh và các kỹ sư trong nhóm nghiên cứu và phát triển AI đã cử sang Hàn Quốc và Ấn Độ để nhận chuyển giao về kiến trúc mô hình AI, thuật toán cho AI, đào tạo AI, dữ liệu cho AI… Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ trong vòng 4 tháng, từ con số không, các kỹ sư của SRV đã tự mình làm chủ công nghệ và thành công áp dụng AI vào dự án AI Tiếng Việt cho dòng sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy S24. Trong khi đó, thông thường các kỹ sư sẽ phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để phát triển một dự án AI ngôn ngữ lớn.

Chuyển giao công nghệ đưa Việt Nam thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung

Bằng việc chuyển giao AI – là công nghệ tiên tiến nhất và quan trọng nhất của tập đoàn cho các kỹ sư Việt Nam, Samsung đã giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam khi quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược về R&D của Samsung trên toàn cầu.

Kỳ tích trí tuệ Việt trong kỷ nguyên điện thoại AI của Samsung- Ảnh 2.

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam tại Hà Nội

Trong một buổi gặp gỡ với báo chí gần đây nhất, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đã một lần nữa nhắc lại lời cam kết của Samsung với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam vào tháng 12/2022 về việc sẽ biến Trung tâm này trở thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển số một toàn cầu, đồng thời sẽ nỗ lực đào tạo nhân tài công nghệ Việt Nam.

Hơn 1 năm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam đi vào hoạt động, Samsung chưa bao giờ ngừng nỗ lực để hiện thực hóa cam kết này. Và những đóng góp lớn của các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại Trung tâm R&D của Samsung với dự án phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo Galaxy AI cho tiếng Việt trên dòng điện thoại chiến lược S24 là minh chứng rõ nét nhất. Ngoài ra, số lượng kỹ sư của Trung tâm vào thời điểm khánh thành là 2.000 người nhưng hiện tại đã tăng lên là 2.400 người. Điểm đặc biệt là trong số đó, kỹ sư người Hàn Quốc chỉ có 10 người.

Chia sẻ thêm về sự phát triển không ngừng của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam, ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc Bộ phận Phát triển phần mềm cho biết: "Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung phát triển các giải pháp phần mềm công nghệ cho điện thoại di động, nhưng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam, lĩnh vực hoạt động của chúng tôi đã mở rộng ra, không chỉ cho thiết bị di động, mà còn với Note PC và thiết bị viễn thông".

Ngoài ra, Samsung vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động bồi dưỡng tài năng công nghệ tương lai của Việt Nam thông qua học bổng dành cho sinh viên triển vọng chuyên ngành công nghệ, và tăng cường quan hệ hợp tác với các trường đại học, nhằm góp phần phát triển nhân tài công nghệ Việt Nam, là lực lượng nòng cốt để giúp Việt Nam tận dụng công nghệ để đạt được nhiều thành tựu đột phá.

Như vậy, vượt qua những khó khăn và thách thức trong bối cảnh suy thoái và nhiều biến động của kinh tế toàn cầu, những cam kết của Samsung tại Việt Nam không thay đổi. Việt Nam luôn là cứ điểm quan trọng nhất, nơi Samsung đặt niềm tin để chuyển giao công nghệ nhằm phát triển và sản xuất những sản phẩm chiến lược của tập đoàn, và là nơi Samsung dành nhiều đầu tư vào các hoạt động đào tạo nuôi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển lâu dài và bền vững tại Việt Nam.

"Trong thời gian tới Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động đầu tư, xuất khẩu, tuyển dụng và nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam", ông Choi Joo Ho khẳng định.

Nguyễn Đức