In bài viết

Kỳ vọng khởi sắc và kết quả trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Những kết quả kinh tế - xã hội trong tháng 4 cho thấy những tín hiệu tích cực trong thời gian tới về sự bứt tốc của con tàu kinh tế Việt Nam. Có được những kết quả đó, trước tiên là nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua điểm nhấn là phản ứng chính sách…

07/05/2023 07:03
Kỳ vọng khởi sắc và kết quả trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ - Ảnh 1.

Những chỉ số của tháng 4 đã mang đến "nốt thăng" cho nền kinh tế, kỳ vọng sẽ có một giai điệu đáng mừng trong quý tới.

Kinh tế Việt Nam trải qua những tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh khó khăn, thách thức kéo dài và nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do kinh tế thế giới vẫn chưa "hồi sức" hoàn toàn hậu COVID-19, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa kết thúc, cạnh tranh chiến lược giữa các nươc lớn ngày càng gay gắt hơn….

Nhưng những "nốt trầm" về kinh tế của quý I có vẻ không còn "ngân" dài. Những chỉ số của tháng 4 đã mang đến "nốt thăng" cho nền kinh tế, kỳ vọng sẽ có một giai điệu đáng mừng trong quý tới.

Cụ thể, lạm phát có xu hướng giảm dần qua các tháng, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát ở hầu hết các nước đối tác lớn đều neo ở mức cao và kéo dài.

Xuất siêu tiếp tục tăng mạnh, tháng 4 xuất siêu 1,51 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ vững chắc trong khó khăn. Lúa gạo được mùa, được giá. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ (3 tháng đầu năm giảm 2,2%).

Một chỉ số dễ nhận thấy mà không cần qua các báo cáo, thể hiện tín hiệu tích cực cho tăng trưởng, đó là ngành công nghiệp "không khói" bắt đầu khởi sắc. Hình ảnh đông đúc, tấp nập tại các điểm du lịch trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua cho thấy sức sống của ngành du lịch đang dần trở lại mạnh mẽ hơn. Du lịch hoàn toàn tự tin bước vào mùa hè - "vụ mùa" cao điểm nhất trong năm. Các chuyến bay cũng ngày càng nhộn nhịp, đến mức có thời điểm, cung không đủ cầu.

"Chỉ số hàng không" như một hàn thử biểu cho kinh tế xã hội, được một số chuyên gia đưa ra để đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế. Quả thực, kinh tế sôi động, xã hội ổn định phản ánh phần nào nhu cầu đi lại qua đường hàng không, chưa kể lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua loại hình này.

Nhìn nhận bức tranh kinh tế, các ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5 cho rằng, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ra tay gỡ vướng thể chế, chính sách một cách rất quyết liệt và cực kỳ mạnh mẽ.

Kỳ vọng khởi sắc và kết quả trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ - Ảnh 2.

Khách du lịch và người dân xếp hàng dài đi xe buýt hai tầng tại Thủ đô Hà Nội trong dịp nghỉ lễ - Ảnh: VGP/Hà Ngô

Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS), chiều 5/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Các đồng chí phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau cuộc họp, chúng ta phải khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS, tạo chuyển biến, tác động tích cực ngay đến thị trường BĐS, không thể cứ họp nhiều nhưng thị trường vẫn như vậy, vướng mắc vẫn như vậy".

Những thông điệp mạnh mẽ đã góp phần tạo khí thế, tạo niềm tin với nhân dân, với cộng đồng doanh nghiệp và với nhà đầu tư… Đây là một trong vô vàn ví dụ về sự quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể của lãnh đạo Chính phủ trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Giải quyết công tâm, minh bạch, khách quan để thúc đẩy nền kinh tế, giải phóng nguồn lực cho xã hội… luôn được nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Có thể thấy ngay một số điểm nhấn nổi bật trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm. Đó là, đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (ban hành Nghị định 08), thị trường bất động sản (Nghị quyết 33).

Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định 12) và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 58). Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (Nghị quyết 30 và Nghị định 07).

Cho tới nay, có thể khẳng định rằng các chính sách mà Chính phủ ban hành trong tháng 4 cũng như 4 tháng qua là những hành động cụ thể nhất để hỗ trợ tăng trưởng. Và chính những biện pháp này sẽ tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong năm nay và những năm sau.

Điều quan trọng nữa là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn tập trung xử lý vấn đề mà doanh nghiệp, người dân vẫn thường gọi là căn bệnh "bóng chuyền trách nhiệm". Nhận thấy điều này, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn nhằm khắc phục tình trạng "không dám làm, không dám quyết và không dám chịu trách nhiệm". Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Công điện số 280 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Đây chính là mệnh lệnh của Người đứng đầu Chính phủ trước đòi hỏi, yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cuộc sống.

Sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc cho sự phát triển của nền kinh tế có thể thấy rất rõ qua những chuyến công tác của Thủ tướng. Hầu như không có ngày nghỉ, Thủ tướng Chính phủ luôn có mặt trên những dự án trọng điểm như các dự án đường cao tốc, Dự án sân bay Quốc tế Long Thành, các nhà máy nhiệt điện… Và tỉnh nào, địa phương nào có vấn đề về tăng trưởng kinh tế là ông có mặt để lắng nghe, tìm hiểu, nghiên cứu để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ. Nhiều văn bản, công điện khẩn được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong đêm với tinh thần sớm giờ nào hay giờ đó, để đưa ngay các chỉ đạo vào cuộc sống…

Xin dẫn ra một vài con số cho thấy phần nào sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong 4 tháng, với gần 600 cuộc họp, hội nghị, trong đó có 8 phiên họp Chính phủ, gồm 4 phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (19 nghị định và 12 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ), 77 nghị quyết của Chính phủ, 498 quyết định cá biệt và 27 công điện, 11 chỉ thị, 398 công văn.

Một ví dụ khác liên quan tới việc Ngân hàng Nhà nước ban hành 2 thông tư về cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ và cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Chiều 22/4, Thủ tướng triệu tập cuộc họp về nội dung này để tháo gỡ các vướng mắc. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ lập tức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để ngày hôm sau, 23/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 59 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Cùng ngày 23/4, 2 thông tư chính thức được Ngân hàng Nhà nước ban hành, tháo gỡ những "nút thắt" lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng kỳ vọng của thị trường và xã hội.

Từ tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và giảm dần qua các tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, trong khi vẫn nhất quán, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Với tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, bám sát thực tiễn cũng như các vấn đề nóng của dư luận, xã hội để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, có cơ sở để tin rằng con tàu kinh tế Việt Nam sẽ băng băng về đích 2023, dù cho có nhiều chông gai phía trước.

Đức Tuân