In bài viết

Lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 2,5% so với cuối năm 2022

(Chinhphu.vn) - Lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vốn vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

17/01/2024 15:45

Ông Ngô Tuyến Hưng (Hà Nội) có khoản vay mua ô tô tại một ngân hàng thương mại từ tháng 3/2020 đến nay, lãi suất khởi điểm là 8%/năm và sẽ tăng, giảm theo điều chỉnh lãi suất ngân hàng và thị trường.

Tuy nhiên, đến nay mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất nhiều lần nhưng phía ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên lãi suất 16%/năm đối với ông. Ông Hưng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giảm lãi suất cho ông.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định: "2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật".

Tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: "Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng".

Căn cứ các quy định nêu trên, lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng là do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vốn vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ. Cụ thể như sau:

- Khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi và cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

- Ngân hàng Nhà nước có các công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm) và phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả, đến nay, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Theo đó, trường hợp ông Ngô Tuyến Hưng có thắc mắc về mức lãi suất của khoản vay tại ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị ông làm việc với ngân hàng thương mại trên cơ sở văn bản thỏa thuận cho vay giữa ông và ngân hàng thương mại, quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chinhphu.vn