In bài viết

Lâm Đồng: Cần sớm có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các Khu công nghiệp của tỉnh

Hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh minh họa

12/10/2011 14:03
Dù đã đi vào hoạt động nhiều năm qua, nhưng đến nay, các Khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có nhà máy thu gom và xử lý nước thải tập trung. Đây là một trở ngại lớn trong thu hút đầu tư cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến môi trường xung quanh.
Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL)các KCN tỉnh Lâm Đồng, tính đến nay tại KCN Lộc Sơn (TP. Bảo Lộc) và Phú Hội (huyện Đức Trọng) có 20 công ty, nhà máy đang hoạt động sản xuất. Các nhà máy này chủ yếu hoạt động trên các ngành nghề chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, dệt may, đồ dùng sinh hoạt… Theo đó, lượng nước thải ra môi trường của các nhà máy này hiện nay có công suất trên 200m 3 /ngày đêm. Tuy nhiên, hiện các KCN này vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung dù đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, bày tỏ ý định đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Mới đây nhất là Tập đoàn DGE (chuyên về xử lý nước thải của Đan Mạch) đã tìm hiểu và xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải với tổng kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian liên hệ, tập đoàn này cũng bỏ ngang, không tiếp tục triển khai đầu tư nữa.
Ông Hồ Mộng, Phó Ban Quản lý các KCN Lâm Đồng cho biết: “Do Tập đoàn này đòi hỏi đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) trong khi tỉnh lại yêu cầu hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) nên họ đã không chấp nhận”.
Trước thực tế trên, để đảm bảo vệ sinh môi trường, các nhà máy khi đi vào hoạt động đều phải tự đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý nước thải cục bộ riêng với kinh phí gần 1 tỷ đồng (công suất 100m 3 /ngày đêm). Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng có một số nhà máy bị ngành chức năng phát hiện và xử phạt vì xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn an toàn ra môi trường. Theo BQL các KCN Lâm Đồng, trong 9 tháng năm 2011, tại 2 KCN này có thêm 6 dự án đăng ký đầu tư mới, nâng tổng số dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực của 2 KCN này là 51 dự án. Như vậy, nếu các dự án này triển khai xây dựng và đi vào hoạt động sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ về ô nhiễm môi trường trong các KCN và các khu dân cư trong vùng, nhất là khi dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vẫn chưa được triển khai.
Trên thực tế, lượng nước thải ra môi trường của 20 nhà máy tại KCN Lộc Sơn và Phú Hội hiện nay có công suất là 210m 3 /ngày đêm, thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế (6.000m 3 /ngày đêm). Lượng nước thải này sau khi được xử lý cục bộ tại các nhà máy sẽ đổ ra sông Đại Bình (Bảo Lộc) và suối Đa Nhim (thuộc huyện Đức Trọng). “Trước khi thải ra sông suối thì lượng nước thải này đã được qua xử lý nên vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh” – ông Hồ Mộng khẳng định. Tuy nhiên việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong các khu công nghiệp là điều không thể thiếu. Vì vậy cần phải sớm đầu tư chứ không thể kéo dài tình trạng hiện nay.
Ngoài ra, để đảm bảo môi trường nên BQL các KCN Lâm Đồng cũng yêu cầu các doanh nghiệp trước khi triển khai đầu tư xây dựng nhà máy phải làm báo cáo tác động môi trường và ký cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, hàng năm BQL cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học – Công nghệ tiến hành kiểm tra định kỳ về môi trường tại các KCN. Đồng thời, trong quá trình thu hút đầu tư BQL cũng không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có lượng nước thải công suất lớn để đảm bảo an toàn môi trường khi chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung như hiện nay.
Cũng theo ông Hồ Mộng, trong thời gian tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng dự án xử lý nước thải tập trung ở các KCN trên với nhiều chính sách ưu đãi riêng. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có thể triển khai xây dựng theo từng giai đoạn nhỏ, quy mô có thể từ 2.000m 3 /ngày đêm trước. Sau đó, doanh nghiệp có thể mở rộng công suất của hệ thống xử lý nước thải khi KCN có thêm nhà máy đi vào hoạt động và nhu cầu xả thải tăng lên. “Ngoài ra chúng tôi cũng tiếp tục tiến hành kiểm tra thường xuyên và hạn chế tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm lớn đảm bảo an toàn cho môi trường trước khi nhà máy xử lý nước thải tập trung được xây dựng” – ông Hồ Mộng cho biết.
Nguyễn - Dũng